Cần truy tận “gốc rễ tín dụng đen”, khủng bố đòi nợ thuê
“Tín dụng đen” gây bất ổn xã hội
Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện tình trạng cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen”.
Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh Nhân dân hoặc căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 triệu đồng đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào.
Các đối tượng liên quan trong đường dây tín dụng đen, cho vay nặng lãi, khủng bố đòi nợ thuê |
Sau đó, các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này nếu "con nợ" không thanh toán được khoản vay, từ đó giải ngân bằng việc chuyển tiền vào tài khoản cho "con nợ".
Người vay sẽ phải thanh toán trong 3 - 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, “lãi mẹ đẻ lãi con” lên tới 1.570 - 2.190%/năm.
Điều đáng nói ở đây là khi người vay không thanh toán được, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ được phân cấp nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ "con nợ" đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà "con nợ" cung cấp trước đó. Thậm chí, chúng còn cắt ghép hình ảnh của "con nợ" rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự để thúc ép "con nợ" hoặc người nhà phải trả tiền, gây bức xúc trong dư luận.
Xác định tính chất phức tạp của tình trạng trên, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, và các đơn vị có liên quan, xác lập chuyên án triệt phá đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ có tổ chức trên. Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị phân loại, điều tra làm rõ vụ việc.
Ngày 24/5, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an một số tỉnh thành triệt phá 7 cơ sở của tổ chức cho vay lãi nặng dưới hình thức “tín dụng đen” ở 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, bóc gỡ đường dây, đưa gần 300 đối tượng và thu giữ toàn bộ tang vật có liên quan về trụ sở cơ quan điều tra.
Cảnh sát thu giữ số tang vật liên quan đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê |
Trước đó vào ngày 23/5, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc phòng ngừa, cảnh giác trước các hoạt động cho vay tiền qua mạng xã hội và các tổ chức chức tín dụng không rõ nguồn gốc; Yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian.
Trường hợp đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức các tín dụng khác) đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, bị các đối tượng đe dọa, khủng bố, cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý.
Nếu bị ghép ảnh cá nhân nhằm bôi nhọ, vu khống đe dọa, yêu cầu thanh toán các khoản nợ vô lý hoặc mạo danh cơ quan công an lừa đảo ép buộc chuyển tiền... kịp thời thông báo cho bạn bè, người thân, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị để trình báo với cơ quan công an biết và có hướng xử lý…
Trả lại cuộc sống bình yên cho người dân
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông luật cho biết: “Vay lãi nặng hay “tín dụng đen” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những hậu quả của nó và những hành vi vi phạm pháp luật kéo theo. Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hậu quả là nhiều người bị hành hung, đe doạ, khủng bố tinh thần phải bỏ đi khỏi địa phương… Tình trạng đòi nợ thuê, hành hung con nợ cũng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự ở các địa phương.
Với việc cắt ghép ảnh, tung lên mạng xã hội đe dọa, gây áp lực cho con nợ cũng như người thân, bạn bè của họ là hành vi phạm pháp luật, xâm hại đến đời sống tinh thần của các bị hại. Do đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục phân loại, điều tra, làm rõ để đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật, góp phần răn đe chung, trả lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân”.
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minhh) |
Theo luật sư Bình, hành vi gọi điện, nhắn tin nhằm ép buộc cá nhân hoặc tổ chức trả một khoản nợ khống như vậy là có dấu hiệu cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 20 năm.
Trường hợp người gọi điện, nhắn tin không nhằm mục đích cưỡng đoạt tài sản mà nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì hành vi này cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Còn việc sử dụng mạng viễn thông để làm nhục người khác thì sẽ rơi vào khoản 2 hoặc khoản 3 điều luật này, có khung phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra.
Trường hợp gọi điện nhằm vu khống cá nhân, tổ chức có hành vi chiếm đoạt tài sản thì cấu thành tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), có mức hình phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vu khống và hậu quả xảy ra.
Trong trường hợp hành vi của các đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm g, Khoản 3, Điều 102 Nghị định (số 15/2020/NĐ-CP) ngày 3/2/2020 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP Hà Nộii) |
Cùng trao đổi về xử lý vấn nạn “tín dụng đen”, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, nêu quan điểm: Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay với lãi suất cao ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Với đặc trưng cơ bản là cho vay với lãi suất cao, vượt mức lãi suất tối đa theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, đồng thời giải ngân không cần tài sản thế chấp, nhiều người dân mặc dù nhận thức được mức độ rủi ro nhưng vẫn chấp nhận vay nợ. Điều này đã dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Trong vụ việc nêu trên, các đối tượng cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo và thực hiện hành vi sẽ bị truy tố về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 Bộ luật hình sự hiện hành. Với quy mô của đường dây nói trên, nhiều khả năng hành vi cho vay nặng lãi đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, số lợi bất chính thu được là nhiều, nên các đối tượng này có thể sẽ bị truy tố theo khoản 2 Điều 201 BLHS, với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng...
Để từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, luật sư Tiền cho rằng, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền và công an địa phương nhằm phát hiện, xử lý nghiêm, người dân cần cảnh giác khi quyết định vay vốn online qua các trang web hay ứng dụng. Cần tìm đến các tổ chức tài chính có uy tín để tiếp cận khoản vay với mức lãi suất hợp lý. Bên cạnh đó, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần có các chính sách, cơ chế linh động hơn để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vay vốn một cách dễ dàng, không để tín dụng đen có cơ hội tồn tại và hoành hành, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.