Cảnh báo các chiêu trò mạo danh bác sĩ để bán thực phẩm chức năng
Đủ chiêu trò để bán thực phẩm chức năng
Ngày 18/5, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được một đoạn clip nhân vật tự xưng là bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông".
Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại.
Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip mạo danh bác sĩ của Bệnh viện Quân y 108 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp) |
Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook cá nhân (có đến 203.000 người theo dõi) nhằm tạo niềm tin rằng "Bác sĩ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng mà người đó bán.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đưa ra cảnh báo về việc một số trang fanpage giả mạo trang fanpage của bệnh viện.
Đặc biệt, một số đối tượng còn giả danh nhân viên của bệnh viện bán thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc cho người bệnh ngay tại phòng khám thuộc khu khám bệnh của Bệnh viện 108. Thậm chí, có đối tượng còn giả danh quen một số bác sĩ của bệnh viện giới thiệu khách hàng đến các phòng khám để trục lợi bất chính.
Facebook lấy hình ảnh và tên của TS. BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo |
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã có cảnh báo đơn vị này tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người dân qua đường dây nóng về việc có một số đối tượng mạo danh giới thiệu là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Các đối tượng này lập lên các trang Facebook, TikTok… giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh.
"Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kỳ thành phần gì bên trong với giá cao lên tới từ 3 - 5 triệu đồng/liệu trình điều trị. Đã có nhiều người bệnh cả tin bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này" - đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay.
Bệnh nhân cần nâng cao cảnh giác trước các bác sĩ "online"
Theo đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc mạo danh để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định bệnh viện chỉ có một địa chỉ duy nhất tại số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh viện và cán bộ nhân viên bệnh viện không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi bệnh viện, nhất là qua các trang mạng xã hội.
Bệnh viện cũng khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang".
Nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kì thành phần gì bên trong được các đối tượng bán với giá cao lên tới từ 3-5 triệu đồng/liệu trình điều trị lừa đảo bệnh nhân |
Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định, các tài khoản Facebook có tên Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng, TikTok Nguyễn Huy Cường cùng các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu hay tư vấn nội dung về việc là nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương là không đúng.
Đặc biệt, Facebook lấy hình ảnh và tên của TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo. Bệnh viện yêu cầu tất cả các trang trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh uy tín và thương hiệu của bệnh viện để trục lợi và gây thiệt hại không đáng có.
Các thông tin liên quan đến việc mạo danh, mượn danh Bệnh viện Nội tiết Trung ương người dân có thể phản ánh trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện: 0967841616 và 0964842524.