Cảnh báo nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng máu vì mụn nhọt, viêm da vào mùa hè
Thời tiết mùa hè oi bức, nắng nóng, khiến cho cơ thể trẻ bị mẩn ngứa, nổi mụn nhọt gây viêm da. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại nghĩ đơn giản "mụn nhọt là bệnh lành tính", nên phần lớn những trẻ khi bị bệnh này thường được bố mẹ tự chữa trị, nhưng chữa trị lại không đúng cách, dẫn đến nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng máu vì bị biến chứng, thậm chí nguy hiểm đe dọa tính mạng.
"Trị được mụn nhọt lại bị viêm da"
Thường vào những ngày hè nắng nóng, trẻ hay mắc các bệnh về da như rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt... Nhiều cha mẹ thường truyền tai nhau kinh nghiệm tắm nước lá vừa tốt, vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không hóa chất nên tìm mọi loại lá tắm cho trẻ. Chẳng hạn, nếu bé chỉ bị mụn kê thì dùng lá chè, kinh giới. Nếu trẻ bị lở chốc, mụn nhọt thì dùng thêm nhọ nồi, cây hoa ngũ sắc (hoa cứt lợn), rau chân vịt. Muốn tắm cho thơm thì dùng lá mùi tươi, hạt mùi, lá chanh... Nhưng thực tế, đây chỉ là những "bí quyết" truyền miệng, chưa hề có căn cứ khoa học.
Con mới đươc bốn tháng tuổi, ngày nào chị Hà (mẹ bé Nguyễn Lê Khánh Huy, ở Định Công, Hà Nội) cũng đi chợ mua lá chè xanh về tắm cho con. Chẳng là, chị nghe mấy chị cùng cơ quan từng nuôi con nhỏ rỉ tai rằng: “Tắm nước lá chè xanh để cho mát và hết mụn kê”, ấy thế là chị cứ nhất nhất làm theo. Sau mấy hôm tắm nước lá, chị thấy con có biểu hiện sốt nhẹ, một số vùng da ở đùi, mông, bụng... xuất hiện mẩn đỏ. Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng này, chị lại nghĩ rằng sau khi tắm lá nếu mẩn đỏ phát ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ. Chỉ đến khi các mụn nước xuất hiện trên da bé, chị mới vội vàng bế con vào viện. Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ “phán” con chị bị viêm da mẩn. “Tưởng tắm nước lá cho con có thể trị sạch mụn nhọt, ai ngờ lại bị viêm da”, chị Hà nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hiện tượng viêm da do tắm lá mùa nào cũng gặp, nhưng thường gặp nhiều vào mùa hè vì trẻ thường bị rôm sảy do thời tiết nắng nóng. Nhiều trẻ vào viện điều trị trong tình trạng da mần đỏ, ngứa nặng, người nổi đầy mụn nước, phải điều trị dài ngày. Nguyên nhân thường thấy là các bậc cha mẹ dùng những thứ lá như: kinh giới, chân vịt, dẻ quạt... tắm cho trẻ theo kinh nghiệm truyền miệng.
"Việc sử dụng những loại lá theo hình thức truyền miệng để tắm cho trẻ mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể làm trẻ bị viêm da. Bởi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi trẻ đang bị trầy xước, nếu dùng loại lá để tắm càng làm cho ngứa, mẩn đỏ tăng lên. Đó còn chưa kể đến, nhiều loại lá cây lại mọc ở bờ bụi, nếu không rửa kĩ, vi khuẩn gây bệnh vẫn còn nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn da rất cao", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Nguy cơ nhiễm trùng máu do mụn nhọt, viêm da
Thời tiết mùa hè nắng nóng nên số bệnh nhân mắc các bệnh về da đến khám, nhập viện tại các bệnh viện đều tăng. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, số trẻ đến khám và điều trị do bị mẩn ngứa, mụn nhọt viêm gia liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, những ngày cao điểm, viện tiếp nhận từ 500- 700 bệnh nhân mỗi ngày. Đáng nói, thời tiết mùa hè nắng nóng, mồ hôi ra nhiều khiến da ẩm, tạo điều kiện thuận cho nấm, vi khuẩn phát triển. Đây chính là nguyên nhân trẻ bị mắc các bệnh viêm da, có những trường hợp biến chứng nhiễm trùng máu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Hơn nữa, do các bậc phụ huynh thường truyền tai nhau kinh nghiệm tắm nước lá cho trẻ. Đối với một số loại lá thực sự có tác dụng, có thể tắm cho trẻ như mướp đắng, lá chè xanh, chanh..., tuy nhiên còn tùy cơ địa của từng trẻ, không phải trẻ nào cũng có thể tắm được nước lá. Do vậy, nhiều bậc phụ huynh không tìm hiểu kĩ đã vội vàng tắm cho con, dẫn đến hậu quả con bị viêm da do nhiễm khuẩn, trong trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ
Lí giải nguyên nhân vì sao chỉ một vài nốt mụn nhọt, mẩn ngứa trên cơ thể trẻ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, PGS. TS Dũng cho biết, "Đôi khi chỉ là những tổn thương da rất nhỏ, vết trầy xước da nhưng không giữ vệ sinh sạch sẽ, cộng thêm tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, cơ thể dễ mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, sự chống đỡ với kháng thể yếu nên vi khuẩn dễ "tung hoành" gây viêm da. Với trẻ em nông thôn, nghỉ hè không phải đến trường, trẻ hay đi bơi ở hồ ao nước bẩn, nghịch đất… khiến nguy cơ nhiễm trùng da càng tăng. Một khi da bị nhiễm trùng, có nghĩa lớp "màng" bảo vệ cơ thể không còn được an toàn, sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn tấn công vào cơ thể trẻ. Mặt khác, đối với những trường hợp trẻ tắm nước lá, có thể bị nhiễm khuẩn từ chính những chiếc lá mà phụ huynh tắm cho con mình. Vi khuẩn gây bệnh sẽ tấn công sâu vào cơ thể và gây nhiễm trùng máu", PGS.TS Dũng giải thích.
Để phòng các bệnh mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da ngày hè, việc giữ vệ sinh da là vô cùng quan trọng. Mọi người cần vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày bằng xà phòng, sữa tắm. Khi cơ thể xuất hiện các nốt mẩn ngứa, mụn nhọt hạn chế gãi làm trầy xước sâu, mồ hôi ra nhiều vi khuẩn, nấm càng có cơ hội phát triển. Nhất là với trẻ em, cần cắt móng tay để hạn chế việc trẻ gãi gâytrầy xước, dễ dẫn tới nhiễm trùng da. Đối với những trường hợp da bị mụn nhọt, mẩn ngứa khi có sự chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ thì phải hết sức lưu ý vấn đề vệ sinh tay trước khi bôi thuốc, để phòng vi khuẩn có trong tay có thể xâm nhập qua các vết tổn thương từ da vào máu. Khi tổn thương trên da có hiện tượng bội nhiễm, tấy đỏ, nổi ban, có mủ... cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời, vì rất có thể đó là dấu hiệu của viêm da bội nhiễm.
Nam Trang