Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm
Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đang dần trở thành hướng đi mới của ngành nông nghiệp Thủ đô
Bài liên quan
Công tác xây dựng nông thôn mới cần đi vào chiều sâu
Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch
Bài 1: Đổi mới tư duy và những con số ấn tượng
Bài 2: Những bài học kinh nghiệm quý
Bài 3: Niềm tin từ những mô hình
Bài 4: Lấy thôn bản và người dân làm trung tâm
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về việc triển khai Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn giai đoạn 2019-2020. Bên cạnh mục tiêu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi, việc phát triển chăn nuôi một số giống bò thịt sẽ cho năng suất, chất lượng, giá trị cao. Ngoài ra còn góp phần hướng tới cải thiện năng lực cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường, hình thành và phát triển các chuỗi khép kín, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, tổng đàn bò toàn thành phố là 134.400 con, sản lượng đạt khoảng 10 nghìn tấn/năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu thịt bò của người tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành khác và từ nước ngoài. Dự kiến, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt bò sẽ tiếp tục tăng, do vậy phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trên địa bàn Hà Nội được xem là “nút thắt” giải bài toán thiếu hụt nguồn thực phẩm của người dân Thủ đô trong thời gian tới.
Là một trong những huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn của thành phố, những năm qua huyện Ba Vì (Hà Nội) đã phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt trên địa bàn. Cùng với đó, chăn nuôi bò sữa cũng trở thành một nghề cho thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống người dân bản địa.
Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của xã, từ năm 2008, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi nên tôi nuôi một con bò cái sinh sản, đến nay, tăng lên 10 con bò BBB. Nhờ nuôi bò thịt chất lượng cao, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Liễu, xóm 2, khu Ba, xã Minh Châu cho biết, gia đình chị đã nuôi bò hơn 20 năm nay, hiện gia đình chị nuôi 8 con bò cái sinh sản và mỗi lứa đẻ một con. Những năm giá thành thấp, nhà chị Liễu bán được 8-9 triệu một con những năm cao giá dao động từ 10-15 triệu một con. Mỗi năm trừ tất cả chi phí, một năm gia đình chị thu được từ 40-50 triệu đồng một năm. Nghề chăn nuôi bò cho thu nhập cao hơn trồng lúa và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Ba Vì.
Mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Ba Vì (Hà Nội) |
Hiện huyện Ba Vì đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn bò thịt đạt trên 20 nghìn con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có gần 150 trang trại bò với quy mô từ 20 con trở lên, có trang trại chăn nuôi, vỗ béo từ 80-100 con bò thịt. Hiện huyện có khoảng 16,5 nghìn con bò cái nền, trước năm 2000, đàn bò cái nền Ba Vì chủ yếu là bò vàng (bò cóc) có thể trạng thấp, bé. Thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò, hiện nay đàn bò cái nền cơ bản là bò lai Zebu (lai Sind, Bratmam…).
Riêng với xã Minh Châu, những năm gần đây xã đã phát triển mạnh về chăn nuôi bò, ông Nguyễn Danh Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Do xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua xã Minh Châu đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó xã đã tập trung đến phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt.
“Trước đây người dân Minh Châu cũng chỉ chăn nuôi bò để lấy sức cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính với giống bò chủ yếu là giống bò vàng, thể trọng nhỏ. Từ những năm 1990, khi nhà nước có chủ trương cải tạo giống bò từ bò vàng Việt Nam sang bò lai Sind để nâng cao thể trọng đàn bò và việc chăn nuôi bò bắt đầu được người dân quan tâm hơn. Ngoài việc chăn nuôi để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân bắt đầu chú ý đến việc chăn nuôi để phát triển kinh tế và đàn bò của xã tăng dần qua từng năm. Từ 1.850 con bò năm 2007 đến năm 2010 đàn bò tăng lên 2.466 con, đến năm 2019 tổng đàn bò là 3.986 con”, ông Nguyễn Danh Hưng nói.
Đối với việc triển khai phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Wagyu tại xã Minh Châu, đến nay toàn xã đã phối giống được khoảng 1.000 con, có khoảng hơn 700 con bê lai F1 Wagyu sinh ra. Từ việc hỗ trợ trên đã giúp đàn bò xã Minh Châu đã phát triển và tạo thành vùng sản xuất bò chất lượng cao, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, một con sau khi bán được từ khoảng 10 đến 12 triệu đồng. Bên cạnh đó, hằng năm xã Minh Châu cung cấp cho các địa phương khoảng 1.000 con bò giống và bò thịt. Thu nhập từ chăn nuôi bò trong 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng từ bán bò, bê thịt các loại.
Phát triển theo hướng chất lượng cao
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành 39 xã, vùng chăn nuôi trọng điểm. Để nâng cao chất lượng đàn bò, thành phố đã đưa các giống bò mới vào triển khai nhân rộng như bò BBB, Wagyu, Angus, Droughmaster… cho hiệu quả kinh tế cao và chất lượng thịt ngon hơn.
Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò thịt đạt 80%, tổng số bê thịt sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm khoảng 55.000 con. Về cơ cấu giống có 65% bò lai Zebu, 30% bò lai hướng thịt (Angus, Droughmaster, Wagyu. BBB…), bò vàng địa phương 5%. Công tác phát triển giống theo ba nhóm chiến lược chuyên thịt, chuyên thịt chất lượng cao, kiêm dụng.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, để phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao cần phát triển theo chuỗi khép kín, trong đó lấy doanh nghiệp làm đầu tàu. Cùng với đó phải xây dựng vùng an toàn, xã an toàn dịch bệnh, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sản phẩm.
Nhằm phát triển số lượng, nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt, thời gian tới, các sở, ngành cần hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, cần tiếp tục giới thiệu một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định để người dân yên tâm nuôi bò.
Ngoài ra, các cấp, ngành tại địa phương cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi, hỗ trợ tuyển chọn đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn, tạo cơ sở cho việc cải tạo giống bò chất lượng cao. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất bò giống hướng thịt chất lượng cao tại các xã chăn nuôi trọng điểm thuộc các huyện, thị xã có tiềm năng như Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Sơn Tây qua đó, nâng cao đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Trước hàng loạt các vấn đề về mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người dân đã lựa chọn các sản phẩm thực phẩm, có chất lượng cao tại những địa chỉ uy tín, đáng tin cậy thay vì chọn mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Do đó, sản phẩm thịt bò trong nước muốn tiêu thụ được phải nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để không bị "thua ngay trên sân nhà", người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý, đặc biệt là trong xây dựng thương hiệu. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cần hướng tới việc đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị kinh tế.