Chàng sinh viên Bách Khoa mở lớp học tình thương cho trẻ em làng SOS
Tuổi thơ không may mắn
Từ lâu, cái tên Hoàng Qúy Bình (SN 1995) quê ở Lai Cách – Hải Dương đã không còn xa lạ với trẻ em trong làng SOS Hà Nội. Ở đây, Bình không chỉ là người thầy dạy dỗ, kèm cặp các em trong những môn học mà còn là người bố hết lòng chăm lo và quan tâm các em.
Hoàng Qúy Bình tặng quà cho các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS sau giờ học
Nhắc tới lý do dạy học tình nguyện của mình, Bình mỉm cười và nói “chắc đó là cái duyên” nhưng đằng sau cái duyên là cả một câu chuyện dài gắn với tuổi thơ không may mắn của mình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo, ngay từ thuở nhỏ Bình đã mồ côi cha. Vài năm sau mẹ Bình lại mắc chứng bệnh ung thư, hiện tại mẹ đã khỏe mạnh nhưng khi nhớ lại tuổi thơ sóng gió đó chàng sinh viên không khỏi xúc động: “Dù cố gắng mạnh mẽ đến bao nhiêu nhưng chỉ cần nghĩ tới thôi nước mắt mình lại rơi. Tưởng tượng cái khoảng thời gian đau đớn mỗi khi nghĩ về bố về mẹ. Mình sợ sẽ mất mẹ, rồi bơ vơ, cô đơn giữa cuộc đời này” .
Nhắc lại quá khứ, Bình kể: “ Hồi cấp 2, 3 mình chỉ là học sinh bét của lớp. Chính vì tính lập dị nên mình không chơi được với ai, không có bạn thân ngay cả bạn gần nhà. Những ngày đi học thật tồi tệ, không những bị các bạn trọc ghẹo, trêu đùa mà nhiều khi còn là những trận đánh. Chính vì không có bố, sống khép kín lại có tính lập dị nên chỉ quanh quẩn một mình”.
Nhưng có lẽ mọi chuyện đã thực sự thay đổi khi chàng sinh viên lên lớp 12. Trong một lần tâm sự, được lắng nghe trải lòng của mẹ đã thôi thúc Bình nuôi ý chí, quyết tâm thi đỗ đại học. “ Nếu như ngày trước lười học bao nhiêu thì giờ đây lại chăm bấy nhiều. Mỗi ngày chỉ tranh thủ ngủ 2-3 tiếng, thời gian còn lại mình đều lao vào học. Mình thường mượn đề từ các bạn trường chuyên, trường công lập để luyện, tranh thủ cả giờ ra chơi, giờ học thể dục ngồi làm đề”. Chính sự nổ lực đó đã giúp Bình trở thành sinh viên của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội và rồi bắt đầu với công việc tình nguyện thầm lặng của mình.
Chàng sinh viên mở nhiều lớp học tình thương
Lên đại học, Bình biết đến làng trẻ em SOS trong chuyến đi tình nguyện. Chính quá khứ không may mắn đã cho Bình có sự đồng cảm với các em. Thêm vào đó là ảnh hưởng những hành động tốt của mẹ từ nhỏ “Có rất nhiều lần khi chứng kiến mẹ giúp đỡ người ăn xin, vô gia cư ở nhờ cả tuần trong nhà không lấy một đồng tiền” .Từ đó đã thôi thúc chàng sinh viên Bách Khoa phải làm điều gì đó để giúp đỡ các em SOS và Bình đã quyết định liên hệ với quản lý để dạy các em.
Thời gian đầu, vì chưa nắm rõ hết hoàn cảnh của từng em, lại không học chuyên ngành sư phạm nên Bình gặp nhiều khó khăn khi dạy. “ Các em còn nhỏ, thiếu tính tự giác nên lười học. Mỗi khi giao bài đều bỏ đó không làm, có khi còn đuổi mình về giữa giờ. Nhưng càng như vậy, mình càng thương và đồng cảm các em” – Bình chia sẻ.
Sau đó, chàng sinh viên này đã lên sáng kiến lập nhóm kêu gọi mọi người cùng tham gia dạy tình nguyện ở Làng trẻ em SOS. Tận dụng Facebook để truyền thông, giới thiệu với mọi người sáng kiến dạy học của mình. Chỉ sau một tuần đã có 10 người tham gia, con số thành viên không ngừng tăng lên. Trải qua một năm hoạt động, nhóm đã có hơn 100 thành viên. Không chỉ có sinh viên mà còn có nhiều anh chị và thầy cô ở các trường học cùng tham gia.
Bình đặt tên cho nhóm là “ Anh chị em dạy học Làng trẻ em SOS” bởi, anh chàng muốn những người anh, người chị khi tới đây dạy học sẽ không đơn thuần là một bạn tình nguyện viên mà chính là anh, chị giúp đỡ các em trong gia đình của mình”.
Không chỉ ở Làng trẻ em SOS, Bình còn kêu gọi các anh, chị mở nhiều lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ở Đồng Tâm, Bạch Mai, Bách Khoa. Với mong muốn được giúp đỡ nhiều hơn những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, chắp cánh các em thực hiện những ước mơ của mình.
Ngoài những buổi tối tới lớp dạy. Bình cùng các bạn tình nguyện viên trong nhóm thường xuyên tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa giúp các em xua đi sự mệt mỏi, áp lực trong học tập cũng như quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ.
Bạn Nguyễn Khắc Huy ( SN 1995) là sinh viên năm 4 Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội chia sẻ: “ Đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện nhưng với mình đây mới chính là tình nguyện thực sự. Mọi người tham gia dạy học đều bằng tình yêu thương và sự đồng cảm với các em để rồi gắn kết với nhau như một gia đình, cùng chia sẻ vui buồn. Và hạnh phúc hơn khi nhìn thấy các em thay đổi từng ngày”.
Em Quân trong Làng trẻ em SOS (học sinh lớp 7 Trường Tiểu học Herman Gmeiner ) nói: “ Nhờ có anh Bình, các anh các chị dạy học tình nguyện mà em đã tiến bộ. Trước đây, mỗi lần thi, điểm của em chỉ ở mức dưới trung bình nhưng bây giờ thì em đã khá hơn rất nhiều. Em còn được cô giáo khen vào sổ đầu bài”.
“ Mỗi người một chút, ít thôi nhưng đều đặn”. Đó là mong muốn của Hoàng Qúy Bình gửi gắm cho những người anh, người chị tham gia dạy học tình nguyện ở Làng trẻ em SOS với hy vọng hoạt động tình nguyện này sẽ duy trì và nhân rộng hơn nữa để mở được nhiều lớp học tình thương giúp đỡ trẻ em nghèo, kém may mắn cố gắng học tập tốt.