Chàng thanh niên 9X dân tộc Thái lập nghiệp từ mô hình nuôi dê núi
Chàng thanh niên điếc và con đường trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng Chàng thanh niên kiếm tiền từ tò he Chàng thanh niên làm giàu từ cây rau ngót |
Nỗ lực thoát nghèo
Anh Lò Văn Chung sinh năm 1990, là người dân tộc Thái tại bản Nà Sành, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Cũng giống như nhiều hộ dân nơi đây, đời sống gia đình anh Chung cũng không mấy khấm khá, thu nhập chính chủ yếu dựa vào việc làm nông, bám nương bám rẫy. Học hết cấp 2, anh phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ bố mẹ trồng ngô, trồng sắn.
Làm việc cặm cụi ngày đêm mà cuộc sống vẫn không cải thiện, anh Chung quyết định theo các anh lớn tuổi trong bản đi buôn dê tứ phương. Sau một thời gian lăn lộn với nghề, anh học được những bí quyết và kinh nghiệm chăn nuôi dê. Đó cũng là thời điểm anh nhận thấy rằng, nuôi dê sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn công việc làm nương làm rẫy quanh năm.
Anh Lò Văn Chung làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra nhờ nghề nuôi dê núi |
Khi đã thành thục kỹ thuật, biết cách chọn giống dê đạt hiệu quả kinh tế cao, anh dùng số tiền gia đình tích góp được trong nhiều năm để mua 8 con dê về bắt đầu chăn nuôi. Trong lúc đi buôn, anh mua cả dê to và dê bé sau đó tiến hành lọc đàn. Dê to béo tốt, khỏe mạnh được anh xuất bán ngay. Những con dê đực con bán không được giá cao, anh Chung giữ lại thả chuồng, tiếp tục nuôi lớn.
Đến năm 2017, anh Lò Văn Chung vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng sản xuất. Có được nguồn vốn trong tay, anh xây dựng thêm hai chuồng trại và mua thêm 80 con dê con có trọng lượng dưới 10kg về nuôi.
Anh Chung chia sẻ: “Để chọn được những con dê con khỏe, có sức đề kháng tốt cần chú ý những đặc điểm như thân hình cân đối, lông mịn, tầm vóc to, chân thẳng, nhanh nhẹn… Dê núi là loài động vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Tôi thường cho chúng ăn cỏ kim, cỏ voi, lá chuối, cám ngô”.
Triệu phú trẻ bản Nà Sành
Sau một thời gian chăm bẵm, những thành quả đầu tiên từ mô hình nuôi dê núi đã đến với chàng thanh niên trẻ Lò Văn Chung. Trung bình cứ 3 tháng anh xuất bán từ 7 đến 8 tạ dê thịt cho các nhà hàng ở Thuận Châu và lò mổ ở huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La. Thịt dê được nuôi hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo sạch, không bệnh tật nên được khách hàng rất yêu thích.
Mỗi năm, anh Chung xuất bán được 3 lứa dê. Với giá bình quân mỗi cân thịt dê thành phẩm khoảng 120 nghìn đồng, doanh thu đạt được hàng năm dao động ở mức 300 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí về giống, công nuôi cũng như thức ăn, anh “bỏ túi” khoảng 150 triệu đồng. Nếu so với công việc nương rẫy trước đây, số tiền kiếm được từ mô hình nuôi dê núi phải tương đương hơn 40 tấn ngô, sắn, trong đó chưa kể chi phí mua giống, phân, thuốc diệt cỏ.
Đàn dê thương phẩm được anh Chung chăm sóc tốt nên con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh |
Để tối ưu hóa chi phí chăn nuôi, ngoài việc tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh Chung còn sử dụng những vật liệu tre, nứa, gỗ quanh nhà để làm chuồng. Chuồng trại nuôi dê của anh Chung được làm khá bài bản, sàn cách mặt đất khoảng 1m. Mặt sàn được làm bằng tre, hơi nghiêng về phía sau và có khe hở nhỏ đủ để phân lọt được ra ngoài. Thiết kế như vậy vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giúp anh tiết kiệm được nhân công dọn chuồng.
Không chỉ giúp bản thân thoát nghèo, bà con trong xã ai có mong muốn xây dựng kinh tế từ việc nuôi dê núi anh đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ hết mình về kỹ thuật. Anh Lò Văn Chung là một trong những hội viên nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Nà Sành.
Trước khi lập nghiệp, gia đình anh Chung là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi dê núi thương phẩm, đến nay gia đình anh không những thoát được nghèo mà còn vươn lên thành hộ khá giả. Thành công của anh Lò Văn Chung là tấm gương sáng để thanh niên dân tộc thiểu số trong bản, trong xã học tập và làm theo.