"Chìa khóa" kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm ở Thủ đô
Chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm
Thực hiện cơ cấu lại cây trồng, nâng cao giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thành phố Hà Nội đã chuyển đổi hơn 40.230ha đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hình thành hơn 100 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh, 3.150 trang trại chăn nuôi; Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp ngày càng chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người tiêu dùng còn lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống |
Cùng với đó, thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Hà Nội chuyển dần sang tiếp nhận bản tự công bố chất lượng sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm việc tự công bố sản phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, như dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… vẫn xảy ra.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị của ngành Nông nghiệp Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại gần 200 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đoàn thanh tra đã xử phạt hơn 140 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; Vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện, thị xã xử phạt gần 210 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm về kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật không bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thực tế, mặc dù thành phố đã phân cấp trong quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng việc thanh, kiểm tra ở lĩnh vực này ở một số địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo, dẫn đến số cơ sở vi phạm còn ở mức cao. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp, nhất là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, hiện việc sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống; Chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện. Vì vậy, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và vấn đề an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để ở tất cả các khâu, nhất là từ sản xuất đến chế biến.
Bên cạnh đó, giá nông sản bấp bênh, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm khiến đầu ra không ổn định, thiếu bền vững. Người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Hiện tại, việc triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất là hướng đi bền vững, song trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, nhất là do tư duy sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế...
7 giải pháp nâng cao chất lượng nông sản
Để đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản, giai đoạn 2023-2030, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở ở huyện Gia Lâm |
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025, thành phố phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm,…
Kế hoạch đề ra 7 giải pháp để thực hiện mục tiêu trên: Hoàn thiện, thực thi hiệu quả cơ chế chính sách; Lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021-2025.
Thành phố yêu cầu các đơn vị phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.
Song song đó, các đơn vị, địa phương tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tin nông sản được sản xuất trong nước; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông lệ quốc tế; Thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.