Đẩy mạnh chuỗi liên kết để nông sản Thủ đô dễ dàng tiêu thụ
Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Trong xu thế hội nhập phát triển, việc tạo ra sản phẩm, tiêu thụ nhanh chóng và nâng tầm giá trị sản phẩm đã trở thành niềm trăn trở đối với người nông dân. Những bài toán sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ vì nhiều vấn đề, trong đó việc liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản được quan tâm hơn cả.
Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng và đang duy trì tốt 926 chuỗi liên kết nông sản, thực phẩm an toàn. Điển hình như: Chuỗi gạo Khu Cháy, thịt lợn A-Z, nấm Nghĩa Minh, rau an toàn Văn Đức... Giá trị từ chuỗi liên kết mang lại rất lớn nhưng tính bền vững hiện nay lại chưa thực sự cao.
Nhằm làm rõ nhiều vấn đề trong sản xuất tiêu thụ nông sản, đặc biệt là giúp nông dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc liên kết trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Diễn đàn@Khuyến nông với chủ đề "Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp".
Các nông sản của huyện Phú Xuyên ngày một đa dạng, nhiều sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng 3 - 4 sao OCOP |
Bà Đào Thị Lương, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Anh chia sẻ: Thành lập năm 2018, đến nay hợp tác xã Tâm Anh đang liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng tấn nông sản, thực phẩm mỗi ngày theo chuỗi liên kết với các hợp tác xã, trong đó riêng Hà Nội là 14 hợp tác xã. Sản phẩm được cung ứng cho nhiều siêu thị, trong đó có hệ thống bán lẻ Winmart.
Tại huyện Phú Xuyên, gần như ngày nào hợp tác xã cũng xuất vài tấn chuối tươi sang Lào. Tuy nhiên, hiện nay hợp tác xã đang gặp khó khăn vì chưa có nguồn lực đầu tư kho lạnh, nhà máy chế biến sâu. Do đó, đơn vị kiến nghị thành phố và các sở ngành, huyện Phú Xuyên quan tâm, hỗ trợ để giảm giá thành sản xuất.
Đối với hộ kinh doanh cá thể, ông Lê Đình Khánh (xã Văn Hoàng), cho biết: Trên địa bàn xã, người dân vẫn chủ yếu sống nhờ nghề trồng lúa và nuôi trồng thủy sản. Dù vậy, những năm gần đây, nguồn nước sông Nhuệ rất ô nhiễm. Người dân biết nhưng vẫn phải dùng để sản xuất. Do đó đề nghị các cấp chính quyền cần có giải pháp cho vấn đề này, hỗ trợ người dân tạo ra những sản phẩm sạch.
Nông nghiệp hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các nông sản của huyện ngày một đa dạng, nhiều sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng 3 - 4 sao OCOP.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nông sản của người dân làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng vẫn khó tiêu thụ do chưa phát triển được chuỗi liên kết. Do đó, vấn đề quan trọng cần phải thực hiện trước mắt là đẩy mạnh liên kết, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và kênh tiêu thụ.
Tìm hướng để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững
Với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện Phú Xuyên đã xây dựng được 4 thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu tập thể; Nhiều sản phẩm được đánh giá, phân hạng, cấp sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, toàn huyện đã có 26 sản phẩm đưa được vào hệ thống siêu thị.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, nông nghiệp hiện nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các nông sản của huyện ngày một đa dạng.
Mặc dù vậy, ông Vĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận việc tiêu thụ nông sản hiện nay còn nhiều khó khăn. Đôi khi nông sản của người dân làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng vẫn khó tiêu thụ do chưa phát triển được chuỗi liên kết.
Rau cần đã trở thành đặc sản của vùng đất Khai Thái, không chỉ được nhiều người tiêu dùng trong huyện Phú Xuyên mà người tiêu dùng trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận biết đến |
Nhận định về vai trò của liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao…
Do vậy, việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản, đang dần trở thành hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời, tạo ra vị thế và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh, phát chuỗi liên kết nông sản Việt cũng góp phần tạo điều kiện cho phát triển các sản phẩm OCOP, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Mặc dù, còn nhiều thách thức nhưng thành phố Hà Nội xác định việc xây dựng các chuỗi liên kết là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mong muốn tạo kênh kết nối để chủ thể sản xuất, đơn vị phân phối/tiêu thụ và nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi, xây dựng định hướng hợp tác lâu dài, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp…