"Chìa khóa" tiến gần hơn tới kinh tế biển "xanh"
Cảng biển để hình thành hành lang kinh tế biển kết nối Việt Nam với thế giới (Ảnh: Trường Châu) |
Kinh tế biển "xanh" là sự đảm bảo thu nhập bền vững cho người dân. Khai thác tài nguyên hợp lý là phương pháp phát triển kinh tế an toàn, giúp sinh kế thay thế đói nghèo. Việt Nam có ba mặt Đông, Nam và Tây - Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260km.
Tiềm năng kinh tế biển tại Việt Nam
Ngày 12/5, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp công bố Báo cáo "Kinh tế biển xanh - hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển" trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh.
Một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản "phát triển bền vững", hay còn gọi là "xanh lam", phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.
Kịch bản "xanh lam" mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp GDP, GNI của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho cho các lao động nghề biển. Nghiên cứu cho thấy với kịch bản "xanh lam" được áp dụng, GDP của kịch bản này sẽ hơn kịch bản cơ sở lần lượt là 296.000 tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538.000 tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030.
Vùng biển Việt Nam nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và là cầu nối giữa nhiều cường quốc kinh tế và chính trị trên thế giới. Với vị trí thuận tiện cho giao thông và các vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, rất thuận lợi làm cảng biển; không gian rộng lớn ở ven biển và trên bờ biển thuận lợi để phát triển các khu kinh tế.
Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam chứa khoảng 35 loại hình khoáng sản khác nhau, đặc biệt là tiềm năng dầu khí dồi dào đang được khai thác tại 11 mỏ ở thềm lục địa phía Nam. Thời gian qua, ngành dầu khí luôn giữ vai trò quan trọng trong kinh tế biển nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung.
Không chỉ có khoáng sản, hải sản nước ta có độ phong phú cao, đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế, như: Tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…
Người dân tham gia dọn rác làm sạch biển (Ảnh: Trường Châu) |
Biển sạch là kinh tế vững
Việc các cảng biển ngày một phát triển, thu hút được sự đầu tư lớn cả trong và ngoài nước, thuận tiện cho giao thương với thế giới giúp kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng cùng với đó là bài toán phát triển bền vững dựa vào tiềm năng biển, đảo.
Theo số liệu thống kê của ngành Thủy sản, trong vòng 10 năm gần đây, tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm tăng không đáng kể (dưới 2%/năm), trong khi năng suất tính trên đơn vị thuyền nghề và công suất tàu (tấn/CV) giảm 30 - 50%. Nguồn lợi hải sản vùng ven bờ đã khai thác vượt giới hạn bền vững (10 - 12%) nhất là nhóm cá đáy, các loài tôm biển.
Những năm gần đây, các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nhân rộng. Các đội nhóm tình nguyện thu gom rác, tuyên truyền làm sạch môi trường biển được nhân rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phê duyệt một số luật và các quy hoạch, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tăng trưởng xanh, như: Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015, đưa "Quy hoạch không gian biển quốc gia" vào Luật Quy hoạch năm 2017...
Để nguồn lợi thủy sản được bền vững, việc giữ cho môi trường biển được trong sạch cũng đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đầu năm 2022, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) cùng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) quyết định tổ chức cuộc thi thu thập ảnh rác thải nhựa "Laspics hunter - Thợ săn ảnh nhựa" nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng rác thải nhựa tác động lên môi trường đồng thời thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc quản lý rác thải nhựa sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nhiều ý tưởng sản phẩm thân thiện với môi trường đã ra đời như túi biết thở - làm từ nguyên liệu tinh bột sắn mì hay ống hút thiên nhiên làm từ cây cỏ bàng Lepironia dễ dàng phân hủy trong môi trường tự nhiên cũng được đưa ra nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng.
Việc biến ý tưởng thành hiện thực này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa vào đại dương, đảm bảo các sinh vật biển được phát triển an toàn. Đây cũng sẽ là căn cơ để nền kinh tế biển Việt Nam được phát triển một cách vững chắc trong tương lai.