Cà Mau khơi thông “mạch nguồn” kinh tế biển
Cà Mau nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp Hạ tầng giao thông: Chìa khóa để thu hút đầu tư tại vùng Đất Mũi Hợp nhất Cà Mau – Bạc Liêu: Bước chuyển mình mạnh mẽ ở cực Nam |
Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 956/QĐ-BXD, phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch này xác định cảng biển Cà Mau là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới logistics quốc gia với định hướng phát triển hiện đại, đồng bộ, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo quy hoạch, cảng biển Cà Mau sẽ bao gồm các khu bến chính là Năm Căn, Ông Đốc, bến cảng Hòn Khoai, bến cảng ngoài khơi cửa sông Đốc, bến cảng LNG và kho nổi tại khu vực biển Tây cùng hệ thống các bến phao, khu neo chờ, chuyển tải, tránh trú bão.
Tính đến năm 2030, hệ thống cảng dự kiến có 3 bến chính với tổng cộng 4 cầu cảng, tổng chiều dài khoảng 240m. Cảng sẽ đón tàu trọng tải lớn, lên đến 150.000 tấn, với lượng hàng hóa thông qua dự kiến từ 1,4 - 3,5 triệu tấn mỗi năm và phục vụ từ 3.100 - 3.300 lượt hành khách.
![]() |
Đô thị biển bên bờ sông Ông Đốc (Ảnh: Huỳnh Lâm) |
Trong đó, khu bến Năm Căn sẽ có một bến cảng gồm 2 cầu cảng tổng hợp hàng rời dài 240m, tiếp nhận tàu đến 5.000 tấn, phục vụ khoảng 0,2 triệu tấn hàng hóa và hơn 2.000 lượt khách tuyến bờ, đảo.
Khu bến Ông Đốc được quy hoạch để phục vụ khu công nghiệp lân cận, có khả năng đón tàu 3.000 tấn và khoảng 1.000 lượt khách.
Bến Hòn Khoai là khu bến tiềm năng, sẽ phát triển theo nhu cầu của nhà đầu tư. Riêng bến cảng ngoài khơi cửa sông Đốc sẽ đón tàu dầu khí đến 150.000 tấn, phục vụ hoạt động khai thác ngoài khơi với sản lượng từ 200.000 - 300.000 tấn.
Bến LNG và kho nổi tại biển Tây sẽ phục vụ Trung tâm điện khí LNG Cà Mau, với sản lượng ước đạt từ 1 đến 3 triệu tấn/năm, cao nhất trong toàn hệ thống.
Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tiếp tục tăng trưởng bình quân từ 5,5 đến 6,1% mỗi năm.
Theo đó, các bến mới sẽ được phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tổng nhu cầu sử dụng đất cho hệ thống cảng đến năm 2030 vào khoảng 9ha (chưa bao gồm đất cho khu công nghiệp, logistics…), còn diện tích vùng nước lên đến 26.282ha.
Tổng vốn đầu tư toàn hệ thống dự kiến khoảng 664 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng dành cho hạ tầng hàng hải công cộng và 164 tỷ đồng cho các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.
![]() |
Với lợi thế thiên nhiên trù phú, hệ sinh thái đặc thù và vị trí địa lý đặc biệt, Cà Mau có đầy đủ điều kiện để bứt phá trong các lĩnh vực như thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch sinh thái. |
Quy hoạch cũng đặt ra các giải pháp rõ ràng về cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển.
Việc xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là trong phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, sẽ được đẩy mạnh. Nhà đầu tư được khuyến khích ứng dụng công nghệ số, sử dụng năng lượng xanh và hướng đến mô hình cảng xanh - cảng thông minh.
Thậm chí, tiêu chí cảng xanh có thể trở thành một trong những điều kiện để lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới.
Song song với đó, tỉnh Cà Mau cũng chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý và khai thác cảng. Cơ chế đặt hàng đào tạo sẽ được nghiên cứu, triển khai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Việc kết nối hệ thống cảng biển với các cảng cạn, trung tâm logistics và dịch vụ hậu cần cũng được xác định là trọng tâm trong giai đoạn tới. Mục tiêu là hình thành một “hệ sinh thái logistics” hoàn chỉnh, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, vận tải và phân phối hàng hóa.
Các công cụ quản lý hiện đại như kho dữ liệu tập trung và bản đồ số hóa hệ thống cảng biển sẽ được triển khai để hỗ trợ quản lý và tối ưu hóa quy trình khai thác.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cập nhật đồng bộ các quy hoạch địa phương, bố trí quỹ đất, phát triển hạ tầng kết nối cảng biển với các khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần.
Đồng thời, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương như Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam trong quá trình thực hiện quy hoạch, điều chỉnh các dự án và đảm bảo thống nhất với định hướng phát triển quốc gia.
Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Cà Mau là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau, đồng thời đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững hệ thống cảng biển quốc gia trong thời kỳ mới.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Pháp luật về hợp đồng lao động trong xu hướng phát triển kinh tế nền tảng ở Việt Nam

Tạo khí thế, niềm tin, quyết tâm thực hiện 3 "tăng tốc"

Agribank thúc đẩy công nghệ số trong thanh toán không dùng tiền mặt

Tăng trưởng GDP 6 tháng tiếp tục tăng trưởng cao hơn dự báo, ổn định kinh tế vĩ mô

Nhà máy Tetra Pak Bình Dương thúc đẩy chuỗi cung ứng hộp giấy tiệt trùng

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP

Theo dõi tiền điện hàng ngày để tránh "sốc" vì hóa đơn tăng cao

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm

Giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh từ 15 giờ ngày 3/7
