Chính phủ yêu cầu sớm có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Số doanh nghiệp phá sản vẫn tăng cao Các doanh nghiệp cần hạn chế xuất khẩu thép |
Đây là một trong những yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP vừa được ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhiều hàng quán tại Hà Nội vẫn chưa thể mở cửa trở lại vì dịch Covid-19. |
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu trước sự hoành hành của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu những tác động hết sức tiêu cực, nặng nề. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì nhiều chính sách, giải pháp đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó, nhiều Bộ, ngành đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ)...
Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số các doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ khi đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó, nhóm giải pháp miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng và chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được nhiều doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá khá cao.
Mặc dù các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành vừa qua được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập.
Theo đó, chỉ số ít doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách, cùng với đó dù nhiều doanh nghiệp đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận, việc tiếp cận các nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.