Cho vay vốn đối với lao động mất việc làm trở về địa phương
Kịp thời bố trí nguồn vốn cho vay phù hợp
Hà Nội có hơn 352.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; 1.350 làng nghề; 10 khu công nghiệp, chế xuất; 111 cụm công nghiệp, với tổng số lao động là hơn 4 triệu người.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường lao động có nhiều biến động. Người lao động tại các khu công nghiệp, ngành vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành… là chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội |
Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Hà Nội đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn người lao động mất việc làm trong các doanh nghiệp lập dự án vay vốn, phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định, cho vay và thu hồi nợ theo quy định; kịp thời bố trí nguồn vốn cho vay phù hợp với chương trình tín dụng và đối tượng xin vay...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: “Sở đã tham mưu thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động. Theo đó, ngành đã hỗ trợ phát triển thị trường lao động qua việc xét duyệt hộ gia đình vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Chỉ tính 9 tháng năm 2023, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 171.228 lao động, đạt 105% so với kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm cho 34.644 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 1.761 tỷ đồng.
Cùng với đó, số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm là 13.447 lao động; đưa 3.002 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 120.135 lao động.
Lao động mất việc được hỗ trợ vay vốn
Nhằm giúp người lao động nông thôn phục hồi sản xuất, tạo việc làm, ổn định thu nhập, nâng cao đời sống trước ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, UBND huyện Ba Vì đã việc phê duyệt phân bổ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội năm 2021 theo Quyết định số 6505/QĐ-UBND ngày 1/10/2021 để cho vay người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Ngay sau khi được phân bổ chỉ tiêu nguồn vốn mới UBND xã Chu Minh (huyện Ba Vì) đã chỉ đạo các hội - đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, trưởng thôn, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tuyên truyền, bình xét tạo điều kiện cho vay đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động là người mù, người khuyết tật có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm và thu nhập ổn định; người lao động bị mất việc làm hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Người lao động xã Chu Minh, huyện Ba Vì vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh |
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm rất cần thiết đối với người lao động trong giai đoạn ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Vì vậy, các đơn vị đã phối hợp để hoàn thiện hồ sơ giải ngân kịp thời, tiếp sức cho người lao động đầu tư khôi phục sản suất, chăn nuôi, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định hơn sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm tại xã Chu Minh đã giúp cho hàng trăm lao động có việc làm ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Sau thời gian đi làm thuê trong Bình Dương xa nhà vất vả nhưng vẫn chỉ có mức thu nhập thấp lại bị cắt giảm lao động do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm 2021, anh Nguyễn Hoàng Long (sinh năm 1990, xã Chu Minh, huyện Ba Vì) thông qua giới thiệu của Đoàn Thanh niên xã đã vay 90 triệu đồng đầu tư khởi nghiệp bằng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.
Với số tiền này, anh Long đầu tư đào ao nuôi cá, xây chuồng trại nuôi gà, nuôi heo. Sau thời gian 4-5 tháng thì tất cả gà, heo đều cho xuất chuồng mang lại nguồn thu nhập khá. Anh Long cho biết, đến nay anh đã xuất bán được 4 lứa gà và heo, chưa tính đến những lần thu hoạch cá nuôi ao. Khoản lãi mang lại từ việc nuôi gà, heo, cá đã giúp anh trả được một phần gốc vốn vay.
Không riêng anh Long, nhờ nguồn vốn vay ủy thác này, nhiều thanh niên đi làm xa nhà lại rơi vào cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nay lại có điều kiện khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương Ba Vì.
Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của nhiều thanh niên huyện Ba Vì thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau như nuôi trồng thủy sản, kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp, tiểu thủ công kết hợp du lịch, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp...