Chống rác thải nhựa: Cơ hội lớn cho startup
Các sản phẩm thân thiện với môi trường hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng
Bài liên quan
Cơ hội cho các star-up Việt vươn ra biển lớn
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2019 diễn ra vào tháng 12/2019
Chuyển đổi số: Bài toán không thể mang tính nhỏ lẻ
68 dự án vào chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019
Từ thông điệp “giảm thiểu chất thải nhựa”
Năm 2018, Liên hiệp quốc khởi xướng chiến dịch Beat Plastic Pollution - tạm dịch “Đánh bại rác thải nhựa”. Phong trào NoStrawChallenge - Không sử dụng ống hút nhựa ngay lập tức ra đời, thách thức mọi người hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần trong cuộc sống hàng ngày.
Trong năm 2018 và đặc biệt từ đầu năm 2019, các bộ ban ngành đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tuyên truyền ủng hộ chiến dịch “giảm thiểu chất thải nhựa”. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa”.
Giới trẻ Việt Nam và những người ủng hộ xu hướng sống xanh đã kịp thời tham gia chiến dịch nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Hàng loạt các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ cũng ngưng sử dụng và kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, cốc nhựa, đồ hộp bằng nhựa và hạn chế sử dụng túi nilong.
Nắm bắt xu hướng sống xanh, sạch, thân thiện môi trường, hàng loạt nhà hàng, quán café, trà sữa tại các thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội và nhiều quán chay đã thay thế ống nhựa bằng ống hút inox, hay ống rau, ống sả, ống cỏ bàng, ống hút giấy, bao bì đóng gói bằng giấy, cốc và hộp đựng thức ăn bằng giấy... Trên thế giới, nhiều hãng tên tuổi đã đưa ra lộ trình loại bỏ những ống hút nhựa, như Starbucks, McDonald hay Bon Appétit. Alaska Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên bỏ ống hút nhựa.
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay rất nghiêm trọng, số lượng chất thải, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilông tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao, chiếm 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, nói không với sản nhựa sử dụng một lần được cho là bước đi đúng đắn dù khá chậm trễ. Bởi nhiều đô thị Việt Nam đã trở thành nạn nhân của thói quen thiếu ý thức của người dân.
Chưa kể đến việc rác thải nhựa tốn kém chi phí xử lý, gây độc hại môi trường và mất nhiều thời gian để phân hủy. Theo các nhà khoa học về môi trường, một trong những nguyên nhân gây ngập lụt tại các đô thị sau trận mưa lớn là do hàng loạt rác thải nhựa dùng một lần vứt bỏ bừa bãi đã lấp đầy miệng cống thoát.
Xu thế “xanh” cơ hội lớn cho doanh nghiệp
Ước tính, hằng năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa, phần lớn là loại dùng một lần như chai, túi và ống hút đổ ra biển. Hơn 8 tỉ ống hút nhựa đang gây ô nhiễm nặng các bãi biển, theo nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ năm 2018.
Khoảng 100.000 động vật biển, đặc biệt là những loài được liệt vào danh sách bảo tồn, bị đe dọa tuyệt chủng và cả triệu chim biển chết do hấp thụ nhựa từ ống hút vì lầm tưởng là thức ăn. Việt Nam được xếp vào top 5 nước thải rác nhựa.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra khoảng 80 tấn nhựa và bao nilon.
Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường thải ra hơn 1 túi ni lông một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ… Như vậy hàng triệu túi ni lông được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày.
Tác hại của nhựa và túi ni lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Tuy nhiên đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn. Do vậy, để hạn chế, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi ni lông đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
Hiện hơn 120 nước cho biết đã, đang đưa ra lộ trình cấm sử dụng đồ dùng nhựa một lần như: ống hút nhựa, bịch nilon tại các cửa hàng ăn uống, hay siêu thị. Nhiều nước đã áp thuế, phí cao hơn đối với việc sản xuất và sử dụng các loại vật dụng này.
Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam cho hay đang cân nhắc đưa ra lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút nhựa nhưng trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy.
Ngoài chất thải nhựa đến từ nguồn rác sinh hoạt, chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế cũng có số lượng rất lớn. Chất thải nhựa trong lĩnh vực y tế phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân...; từ các hoạt động chuyên môn y tế như: bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về giảm dùng chất thải nhựa trong toàn ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng "cuộc chiến" giảm rác thải nhựa sẽ là cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp mới để nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm thay thế những sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
Trong thời gian qua, trào lưu sử dụng chất liệu thân thiện môi trường thay thế cho đồ nhựa cũng đang giúp nhiều công ty, hộ gia đình nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bằng giấy, gỗ, tre…
Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại túi nilong, ống hút nhựa, nhiều loại ống hút làm từ cỏ, tre, bột gạo... và các sản phẩm thân thiện với môi trường đã ra đời được người dùng hưởng ứng.
Ngoài ống hút, các sản phẩm thay thế hộp/chén dĩa nhựa 1 lần từ bã mía, mo cau, xơ dừa; ly bằng bã mía, xơ tre thay thế ly nhựa và các loại muỗng bằng mo cau, tre thay thế muỗng nhựa, túi vi sinh phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột ngô thay thế cho túi nilông,... thân thiện với môi trường cũng đã xuất hiện trên thị trường.
Đây đang là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi xu thế “xanh”, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được thị trường trong nước đón nhận, thậm chí có thể mở rộng ra các nước châu Âu, châu Á...
Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đang là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng châu Âu đánh giá cao.
Bên cạnh đó, định hướng của APH trong thời gian tới sẽ phát triển các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn thân thiện với môi trường khác như: ống hút, dao, thìa, dĩa, cốc tự hủy… AnEco khi được chôn xuống đất, trong vòng 6 tháng sẽ phân hủy thành CO2, nước và phân mùn nuôi cây trồng, 100% compostable.
Hướng đi của APH cũng mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các đồ dùng bằng chất liệu thân thiện với môi trường có thể phát triển ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019