Chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy nổ tại làng nghề
Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ tới từng hộ kinh doanh
Hiện huyện Thường Tín có nhiều làng nghề sản xuất hàng hóa dễ cháy nổ như: Chăn, ga, gối, đệm xã Tiền Phong, chế biến gỗ xã Vạn Điểm, nghề sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở và có 3 chợ lớn: Chợ Vồi, chợ Tía và chợ Đỗ Xá nơi giao thương hàng hóa lớn. Đây là những yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến các vụ hỏa hoạn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Điểm, cho biết: Do địa phương có nhiều cơ sở, sản xuất kinh doanh đồ gỗ nên các hộ dân đều có ý thức phòng ngừa cháy nổ. Do đó, mỗi cơ sở làng nghề trong khu dân cư, đều trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ.
"Theo tôi phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng vì cơ sở của mình xung quanh đều là gỗ. Tại cơ sở của tôi, để hạn chế cháy nổ ngoài việc thường xuyên nhắc nhở anh chị em công nhân cẩn trọng trong sản xuất thì điều quan trọng là phải có các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ và nguồn nước lúc nào chúng tôi cũng đảm bảo", ông Hoàng chia sẻ.
Một xưởng sản xuất chăn ga, gối đệm ở Thường Tín (Hà Nội) bị cháy hồi tháng 11/2019 |
Liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết: Các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn hiện sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị, thậm chí cả nồi hơi. Cùng với đó là những vật liệu để sản xuất như vải, đệm mút, len sợi... chỉ cần lơ là trong công tác phòng tránh, nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Đối với doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, việc tuân thủ nguyên tắc an toàn phòng cháy chữa cháy cũng là yếu tố sống còn, tuy nhiên không phải người lao động nào cũng ý thức để thực hiện. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm phòng cháy chữa cháy thời gian gần đây là việc làm cần thiết.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các làng nghề đã có những chuyển biến rõ rệt. Các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng cháy chữa cháy nói chung và làng nghề nói riêng. Tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy ở các làng nghề còn nhiều bất cập, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân
Thượng tá Đỗ Xuân Bình, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết: Với gần 50 làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện, công tác đảm báo an toàn phòng cháy chữa cháy thường gặp không ít khó khăn. Bởi tại đây, mô hình sản xuất nhỏ lẻ nghề thủ công xen kẽ ngay tại xóm, làng vẫn còn khá phổ biến. Kéo theo đó, phần lớn đường làng nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho xe cơ giới đặc chủng.
Cùng với đó, tại một số địa phương, ý thức, kiến thức phòng cháy chữa cháy của đa số chủ cơ sở và người lao động còn thiếu và yếu. Họ có tâm lý chủ quan, thờ ơ, chưa hiểu rõ tác hại do cháy nổ gây ra nên việc sử dụng lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện rất cẩu thả, tùy tiện; Không biết sử dung bình chữa cháy, không có kiến thức về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều cơ sở sản xuất khi xây mới hoặc cải tạo tại các làng nghề không thực hiện quy định về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy dẫn đến hàng loạt sai phạm như: Không có lối thoát hiểm, hệ thống điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, nổ; Không có hoặc có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ nhưng không đảm bảo về số lượng, chất lượng; Thiếu hoặc không có nguồn nước chữa cháy...
Trước thực tế nêu trên, theo Thượng tá Đỗ Xuân Bình, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy huyện Thường Tín sẽ tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị, doanh nghiệp; Đầu tư kinh phí trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, cơ quan doanh nghiệp có nhiều yếu tố liên quan đến cháy nổ.
"Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân, có định hướng quy hoạch về hạ tầng, đảm bảo giao thông, nguồn nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy đặc biệt cho các làng nghề; Tập trung công tác thực tập phương án tại các cơ sở và nâng cao chế tài xử phạt vi phạm hành chính đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ", Thượng tá Đỗ Xuân Bình cho biết.
Hơn lúc nào hết, để công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các làng nghề phát huy hiệu quả, vẫn cần sự chủ động và ý thức cảnh giác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làng nghề và mỗi người dân. Có như vậy, mới có thể hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, để góp phần bảo vệ tính mạng tài sản của nhà nước và Nhân dân.