Chưa phục hồi du lịch quốc tế thì ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều khó khăn
Chưa đạt như kế hoạch
Theo thống kê của các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế, sau 5 tháng mở cửa du lịch, đến nay lượng khách đến Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour cho biết, dù đã mở cửa đón khách từ lâu nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao vì hiện nay chưa phải mùa cao điểm của đón khách quốc tế. Mùa cao điểm của đón khách quốc tế thường rơi vào từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Theo thống kê, lượng khách đến Việt Nam chủ yếu là những nhóm khách nhỏ hoặc người đi công tác kết hợp du lịch Việt Nam và chưa có những đoàn khách lớn. Ngoài ra, do tác động của tình hình dịch bệnh và chiến sự giữa Nga và Ukraine, du lịch Việt Nam cũng mất một số thị trường chính như Nga và Trung Quốc… nên các doanh nghiệp đang rất vất vả để mở lại các thị trường mới nhằm kéo thêm nhiều du khách đến Việt Nam hơn.
Du lịch Việt Nam phục hồi nhưng chưa đạt như kỳ vọng và kế hoạch |
Tương tự, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15/3, thị trường nội địa đã chứng kiến sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp ngành Du lịch vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn sau đại dịch.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở phía trước khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế nhưng hiện lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng quá thấp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Nhìn nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam không đạt như kỳ vọng, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sau 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động du lịch, với nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, ngành Du lịch đã dần phục hồi và phát triển trở lại.
Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp du lịch đã đón tiếp và phục vụ tổng số 72 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch 60 triệu khách đề ra trong năm nay. Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế. Cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế, đạt gần 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngành Du lịch gồm 3 trụ cột là nội địa, outbound (khách đi nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế), trong đó nội địa thường chỉ chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, thời điểm này chúng ta mới phục hồi mạnh mẽ thị trường nội địa. Để phát triển du lịch thì cốt lõi vẫn là thu hút khách quốc tế đến và muốn phát triển ngành Du lịch thì phải phát triển đều ở cả 3 trụ cột trên.
Nguyên nhân và những giải pháp
Lý giải nguyên nhân lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện nay Việt Nam chưa phải là mùa du lịch quốc tế, xung đột Nga - Ukraina đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; Chính sách phòng chống địch, mở cửa của các nước khác nhau, như hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang xiết chặt phòng chống dịch. Còn Trung Quốc, hiện theo đuổi chính sách “Zero COVID” và đến nay chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, ngoài ra Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế trước đó và luôn đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế khá tốt. Vì vậy, nếu chúng ta không tạo thuận lợi từ các chính sách, quảng bá, xúc tiến cho du lịch thì khó thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Sắp tới, để thu hút thêm nhiều du khách quốc tế, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ... thì cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến và sản phẩm du lịch tại các điểm đến để giữ chân du khách lâu hơn… Đối với các doanh nghiệp, để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng thay đổi xúc tiến, quảng bá Việt Nam ở các thị trường mới.
Khách du lịch tham quan TP Hồ Chí Minh trên xe buýt 2 tầng |
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết, hiện nay Trung Đông là nhóm khách hàng mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam do có mức chi tiêu cao khi đi du lịch. Đây cũng là thị trường mới nổi trong những năm gần đây của Vietravel và cả ngành Du lịch.
"Du khách ở các thị trường này quan tâm tới những điểm đến mới, trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta nắm bắt cơ hội quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến với chiến lược phù hợp sẽ tận dụng được cơ hội. Đối với doanh nghiệp, sắp tới Vietravel cũng sẽ phối hợp cùng các Đại sứ quán Việt Nam tổ chức các đoàn presstrip và famtrip đến Việt Nam vào quý III, đồng thời triển khai sự kiện xúc tiến du lịch tại 1 trong 4 nước trong tháng 10/2022", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Vừa chuyển sang quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường Ấn Độ, ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch TST Tourist cho biết, hiện nay nguồn khách từ Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam. Trong thời gian chờ các thị trường cũ khôi phục trở lại, chúng ta có thể thu hút du khách ở các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan…
“Từ trước đến nay, du khách Ấn Độ thường chọn các thị trường như Thái Lan cho các kỳ nghỉ của mình, tuy nhiên mới đây một tỉ phú của Ấn Độ đã chọn Việt Nam để tổ chức đám cưới thì cho thấy Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với dòng khách này”, ông Lại Minh Duy nói.
Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức lễ đón đoàn khoảng 460 khách MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp du lịch) đến từ Ấn Độ. Đại diện đoàn khách MICE này cho biết, các thành viên tham gia chuyến du lịch cảm thấy khá thoải mái và thích thú, vì vậy sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục kết nối để đưa khách Ấn Độ trở lại TP Hồ Chí Minh nhiều hơn. Khi đến Việt Nam, du khách Ấn Độ ngoài việc trải nghiệm, tham quan, còn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới.