Chung tay đẩy lùi bạo lực trên không gian mạng
Ngày nay, khi Internet ngày càng phát triển, bên cạnh những lợi ích mà nó đem lại cho cuộc sống con người còn có những mặt trái, để lại hậu quả tiêu cực nặng nề. Trong đó, bạo lực mạng thường xuyên xuất hiện, trở thành một vấn nạn với những hệ lụy vô cùng lớn.
Diễn viên trẻ Lê Huỳnh Bảo Ngọc suy sụp…
MC, diễn viên trẻ Lê Huỳnh Bảo Ngọc (sinh năm 2008) tại Cần Thơ chia sẻ, bản thân em đã phải đối mặt với rất nhiều sự công kích từ cộng đồng chẳng biết do nguyên cớ gì nhưng nghiêm trọng nhất là vụ việc diễn ra trong khoảng đầu tháng 11/2023.
Bà Trần Kiều Oanh, mẹ của diễn viên trẻ Bảo Ngọc nghẹn ngào kể về bi kịch vô cớ ập đến với gia đình mình |
Vụ việc được bắt nguồn từ đoạn video kể về thời gian làm việc chung với một bạn diễn viên nhí của một nữ YouTuber nổi tiếng. Trong video, nữ Youtuber chỉ trích nữ diễn viên nhí này đã có những hành động và thái độ ứng xử không tốt. Dù không tiết lộ tên của đối phương nhưng người phụ nữ kia đã có những cách ám chỉ, úp mở để nhiều người hiểu rằng đó là Bảo Ngọc.
Được biết, ngoài cách thao túng tâm lý cộng đồng mạng, kẻ kia còn dùng phần mềm tự tạo nick facebook ảo và bắt đầu "tấn công" cô bé bằng rất nhiều cách thức khác nhau.
Diễn viên trẻ Lê Huỳnh Bảo Ngọc vẫn chưa trở lại trạng thái bình thường sau cú sốc "tai bay, vạ gió" |
Lê Huỳnh Bảo Ngọc ngậm ngùi chia sẻ: “Những bạn bè đang chơi cùng bỗng dần xa lánh con. Con đến trường, con đi chơi phố cũng bị xì xèo, chỉ trỏ và mọi người cho rằng con “chảnh”, làm màu, chơi xấu bạn bè, đối tác như những gì trong clip của người phụ nữ kia truyền tải. Con gần như bị cô lập, có thể khóc bất cứ lúc nào. Những lúc bị áp lực bủa vây, con thích ngồi trong bóng tối, không thích ra ngoài ánh sáng”.
Bà Trần Kiều Oanh, mẹ Bảo Ngọc nghẹn ngào nói: “Tôi không cho cháu dùng điện thoại. Mọi hoạt động văn hóa, biểu diễn của cháu đều do tôi giám sát và quyết định. Tôi dạy cháu từ nhỏ phải sống biết kính trên nhường dưới, sống có trước có sau. Tôi không thể tin được là mẹ con tôi lại phải chịu đựng “dông bão” đổ sập xuống đầu”.
“Họ còn buông những lời bình luận tục tĩu, thiếu văn hóa để phỉ báng chúng tôi. Mỗi ngày 8 tiếng, hai mẹ con khóc tới 7 tiếng. Bảo Ngọc có hành vi mất kiểm soát như la hét, thậm chí tự làm tổn thương bản thân và con gái tôi đã từng có lần nghĩ quẩn, nhảy qua cửa sổ chung cư, may mắn tôi kịp kéo lại. Sau đó, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc", bà Kiều Oanh nức nở kể.
Lê Huỳnh Bảo Ngọc (sinh năm 2008) là một ngôi sao nhí được nhiều khán giả biết đến qua nhiều vai trò như ca sĩ, diễn viên và có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Bảo Ngọc từng đoạt giải Á quân Gương mặt thân quen nhí 2015 và góp mặt trong nhiều dự án nổi tiếng như chương trình Đồ Rê Mí, phim sitcom Gia đình là số 1 phần 2. Ngoài ra, cô bé cũng từng phát hành MV Ghét Của Nào do chính mình viết kịch bản quay MV. |
Chống lại các thông tin xấu, độc bằng cách nào?
Chị Dương Quỳnh Tâm, VP Luật sư Interla - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ, bản thân chị Quỳnh Tâm từng là nạn nhân của tình trạng bạo lực trên không gian mạng. Các đối tượng trên không gian mạng đã dùng hình ảnh của chị để trục lợi, câu sự tương tác từ các nền tảng xã hội như Facebook, lợi dụng hình ảnh, uy tín để bán hàng và đăng hình ảnh trên những group hẹn hò nhằm mục đích lừa đảo những người đàn ông khác.
Một group hẹn hò trực tuyến đăng đàn với nội dung sai sự thật rằng “Tôi là mẹ đơn thân cần tìm tình yêu” nhưng thực tế chị Quỳnh Tâm đang có gia đình nhỏ của mình và đang sống rất hạnh phúc cùng chồng con của mình. Không chỉ vậy, với công nghệ AI, họ còn cắt ghép mặt chị Tâm với hình ảnh mang tính khiếm nhã. Những điều trên cũng phần nào ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chị Tâm. Bạn bè, đối tác làm ăn thường xuyên hỏi han và hoài nghi, đặc biệt là hạnh phúc của gia đình chị bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Chị Dương Quỳnh Tâm, đại diện Văn phòng luật sư Interla |
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty CP kết nối truyền thông Việt (Vinalink) cho biết, qua nghiên cứu thực tế, hiện nay có thể chia người dùng mạng xã hội có ác ý thành các nhóm: Nhóm mong muốn tăng lượng theo dõi nhờ các vụ việc đang được quan tâm; Nhóm có động cơ rõ ràng để tấn công, hạ bệ người khác và nhóm luôn có hiềm khích với cuộc sống.
Ông Hà Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Vinalink |
Ông Hà Anh Tuấn chia sẻ, trong trường hợp trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, các nạn nhân cần phải bình tĩnh xem xét, đồng thời sớm có tiếng nói chính thức, đưa ra thông tin sự thật kèm theo các dẫn chứng cụ thể.
Riêng đối với trường hợp nạn nhân là trẻ em, ông Hà Anh Tuấn cho rằng, người lớn cần khẩn trương khóa các tài khoản mạng xã hội đang bị tấn công; tách trẻ ra khỏi môi trường độc hại; tạo ra không gian sống tích cực cho các bé.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Luật gia thuộc Văn phòng Luật sư Interla |
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Luật gia thuộc Văn phòng Luật sư Interla cho biết: Pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc nhằm giải quyết tình trạng nói trên như Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
"Ngoài ra, các hành vi bạo lực trên không gian mạng cũng có thể cấu thành tội phạm theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", anh Tuấn nhấn mạnh.
Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần có ý thức, rằng mình phải là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác và nhất là biết tôn trọng danh dự bản thân thì mới có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi lời bình luận khi đăng lên mạng xã hội. Với những kẻ cố tình sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, làm hại người khác cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt như sau: - Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. - Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. |