Chung tay mở rộng "cánh cửa" việc làm cho phụ nữ khuyết tật
Người phụ nữ khuyết tật khiến vỏ ốc nở hoa Người phụ nữ khuyết tật lan tỏa tình yêu thương trong "Những bước chân của mẹ" Nẻo đường yêu thương của người phụ nữ khuyết tật 8X |
Bài 1: “Cánh cửa” còn hẹp
Không có được cơ hội học tập đến nơi đến chốn, cùng những rào cản xã hội khiến phụ nữ khuyết tật đang gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Không chỉ vậy, có một thực tế là lao động nữ khuyết tật chịu nhiều rào cản hơn nam khiến lực lượng lao động này đang bị bỏ phí…
Tâm lý “có nghề để sống qua ngày”
Lên 7 tuổi, chị Nguyễn Thị Hảo ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị một trận sốt khiến đôi chân không thể đi lại được. Gia đình nghèo lại đông anh em, chị không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Khi trưởng thành, chị cũng mong muốn có việc làm và thu nhập để tự nuôi sống bản thân, không phải sống dựa vào gia đình nhưng điều đó với chị là quá khó.
“Mình cũng đã xin việc nhiều nơi nhưng không chỗ nào nhận, có chỗ thương cảm họ nhận vào làm nhưng được vài tháng lại có lý do này nọ rồi cho nghỉ. Những người khuyết tật như mình nếu có được công việc ổn định thì sẽ bớt nỗi tủi thân hơn” - chị Hảo chia sẻ.
Thực tế, nhiều lao động nữ khuyết tật đã từng đi làm nhưng phải bỏ công việc vì nhiều lý do, trong đó phần nhiều họ không tìm được công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Nhiều người bị sa thải hoặc từ chối do hiệu quả công việc thấp, khó khăn trong việc đi lại.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình không đồng ý cho lao động nữ khuyết tật đi làm bởi lý do chăm lo cho con em mình đã, thời gian đưa các chị đi làm và đưa về thì để các chị ở nhà còn hơn.
Những công việc phụ nữ khuyết tật đang làm thường là những công việc mang tính tự phát do không có nhiều lựa chọn. Cha, mẹ sẽ hướng các em nữ chọn những nghề như thêu, ren, may... để “có nghề sống qua ngày”, mà không chú trọng phát triển nghề nghiệp hay các vấn đề khác.
Phụ nữ khuyết tật không có nhiều lựa chọn việc làm |
Theo các chuyên gia, phụ nữ khuyết tật là một trong các nhóm yếu thế nhất trong xã hội bởi các lý do về giới tính, khuyết tật và sự nghèo đói. Phụ nữ khuyết tật thường gặp nhiều rủi ro, dễ bị lạm dụng lao động và tình dục hơn so với những phụ nữ bình thường; các quyền về sức khỏe sinh sản của họ ít được quan tâm và đảm bảo… Theo các chuyên gia, những khó khăn mà họ gặp phải cao hơn ít nhất 3 lần so với nam giới, đặc biệt là trong mưu sinh, ổn định cuộc sống.
Thách thức của lao động nữ khuyết tật khó tiếp cận với cơ hội việc làm còn đến từ bản thân người khuyết tật. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (Sóc Sơn, Hà Nội), phụ nữ khuyết thật ít được tiếp cận với các cơ hội việc làm tạo ra thu nhập và hiếm khi được tham gia các hoạt động xã hội của cộng đồng. Họ chỉ quanh quẩn trong nhà, phải sống dựa vào gia đình, né tránh, mặc cảm với xã hội, không có cơ hội đến trường, không được tiếp cận học nghề và việc làm.
Nhiều phụ nữ khuyết tật lựa chọn những công việc mang tính tự phát, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, sức khỏe để làm. Đa số phụ nữ khuyết tật chọn bán hàng tại nhà; một số ít phụ nữ khuyết tật có thể huy động vốn kinh doanh nhỏ, mở các cơ sở sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các hội, hợp tác xã người khuyết tật để làm việc.
Vì không được học hành bài bản, năng suất thấp, nên thu nhập của phụ nữ khuyết tật không cao, điều này càng khiến họ có tâm lý chán nản, không hài lòng với công việc đang có.
Từ phía người lao động, chị Nguyễn Thị Huế (trú tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) chia sẻ: “Đa số người khuyết tật gặp khó khăn khi di chuyển, nên chỉ phù hợp với những việc làm tại nhà hoặc gần nhà. Nếu đi làm xa, doanh nghiệp cần bố trí nơi ăn chốn ở cho người lao động. Vì lý do này, cá nhân tôi vừa từ chối một công việc tốt do địa điểm làm việc cách nơi tôi cư trú hơn 20km”…
Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Hiền mở xưởng may quần áo hỗ trợ, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật |
Những mong mỏi còn bỏ ngỏ…
Bà Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc IDEA cho biết: Phụ nữ khuyết tật là lực lượng lao động không nhỏ trong xã hội. Họ cần được bảo vệ bằng luật pháp để đảm bảo quyền bình đẳng, tham gia vào các hoạt động của xã hội, trong đó có quyền bình đẳng về việc làm bền vững. Có việc làm bền vững là mong mỏi của người khuyết tật, đặc biệt là của phụ nữ khuyết tật.
Có một thực tế hiện nay, tại các địa phương, số phụ nữ khuyết tật nằm trong độ tuổi lao động rất đông nhưng không có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, không phù hợp với sức khỏe hay dạng tật nên hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.
Những cơ sở có nhận người khuyết tật thì phần lớn chủ cũng là người khuyết tật, muốn tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Chính bản thân họ cũng gặp nhiều thách thức về tiềm lực kinh tế cũng như kiến thức kinh doanh, khó đảm bảo duy trì lâu dài cho công việc của người khuyết tật. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ, nhà hảo tâm muốn tạo việc làm cho người khuyết tật nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, cần nhiều hơn những cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Với mong muốn tạo việc làm cho hội viên, trước đây, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Hiền thuê mặt bằng ở phố Cầu Đất mở xưởng may quần áo thời trang nhưng không trụ nổi vì tiền thuê quá cao. Chị dùng nhà mình làm Văn phòng Hội và nhận hàng, sau đó giao cho 3 hội viên khuyết tật may tại nhà. Các hội viên khuyết tật có sức khỏe yếu nên chỉ làm được 10 - 12 ngày/tháng; mỗi ngày vài tiếng, thu nhập 150.000 đồng - 200.000 đồng.
Từ khó khăn thực tiễn, chị Phạm Thị Hiền mong muốn có một xưởng sản xuất, mở rộng nguồn hàng may cao cấp và tập trung những thanh niên khuyết tật vận động để đào tạo nghề miễn phí và may đồ thời trang thì mới có thu nhập cao. Với những bạn khuyết tật nhẹ được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng giao tiếp, làm việc, sau đó làm bảo vệ, trông giữ xe, tạp vụ trong khách sạn.
"Hội Người khuyết tật quận Hoàn Kiếm rất muốn được UBND quận bố trí gian hàng ở chợ đêm để người khuyết tậtbán đồ thủ công, con giống handmade nhằm tạo công việc và thu nhập"- chị Hiền bày tỏ.
(Còn nữa)