Nẻo đường yêu thương của người phụ nữ khuyết tật 8X
Ông chủ khuyết tật trao cơ hội cho những người đồng cảnh Những cô gái đặc biệt vươn lên “toả sáng nghị lực Việt” “Mở đường” cho các bạn trẻ khuyết tật “khởi nghiệp số” |
Lần đầu đặt chân đến Thủ đô, chị Thái Thị Hằng Nga tỏ ra hào hứng với khí hậu mát mẻ, dễ chịu của những ngày đầu đông Hà Nội. Đến với "Trạm yêu thương" được chia sẻ câu chuyện của bản thân, được gặp những người bạn mới khiến cuộc sống của chị thêm phần thú vị.
Qua loạt câu hỏi nhanh của chương trình, khán giả phần nào hiểu được tính cách và con người của cô gái nhỏ nhắn có năng lượng tích cực này.
Chị Thái Thị Hằng Nga tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Qua phóng sự mở của "Trạm yêu thương", khán giả phần nào hình dung được biến cố ập đến khiến cuộc đời của chị Thái Thị Hằng Nga bước sang một trang mới. Năm 2013, từ một người bình thường, chị Nga buộc phải gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn sau một cơn bạo bệnh.
Căn bệnh viêm đa khớp khiến cơ thể chị co cứng. Mặc dù gia đình đưa chị đi chạy chữa khắp nơi, có đợt người ta mách uống thuốc bắc sẽ khỏi, nhưng cơ thể chị lại thêm sưng phồng, khó chịu và đau đớn hơn nhiều.
Chỉ đến năm 2015, khi lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), được điều trị đúng cách, tình trạng bệnh của chị Nga mới thuyên giảm nhưng đôi chân của chị vĩnh viễn không thể đi lại.
Từ một người khoẻ mạnh, tự do tự lại, nay mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc người khác, mọi gánh nặng về kinh tế lại đè nặng lên vai người mẹ già khiến chị Nga càng thêm day dứt. Từ một người cởi mở, vui vẻ, chị lại trở nên thu mình, im lặng.
“Những cơn đau hành hạ, bệnh khiến mặt tôi biến dạng, mặt co quắp không nói được, nhiều khi chỉ nghĩ đến việc giải thoát cho mẹ và cho chính mình. Băng gạc bác sĩ cho để băng vết thương nhưng tôi lại dùng để chấm dứt cuộc đời, 4 lần như vậy, chỉ đến khi gặp lại thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 10, tôi như bừng tỉnh.
Nhìn thầy đã cao tuổi, vẫn đi làm thiện nguyện, vẫn cố gắng làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời, vậy thì mình còn trẻ, tại sao lại đầu hàng số phận như vậy? Đó chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi” - chị Nga tâm sự.
Dần dần, chị Nga bắt đầu tập lại từng bước đi, từng cử chỉ, dù đôi chân vẫn không thể cử động nhưng tâm trạng chị lại trở lên phấn chấn hơn vì chị chưa bao giờ thôi hy vọng sẽ có ngày mình làm chủ được đôi chân của chính mình.
Rồi như một cơ duyên, một mạnh thường quân ở Hải Phòng đã dẫn dắt chị đến với công việc kinh doanh online, chị có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đỡ gánh nặng kinh tế trên vai mẹ và đặc biệt là thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Khi đã thành thao sử dụng mạng xã hội, chị tận dụng không gian này để giới thiệu những trường hợp cần được giúp đỡ đến với những nhà hảo tâm, đặc biệt là những em nhỏ ham học nhưng vì hoàn cảnh không may mắn và khó khăn nên không được đến trường.
“Một trong những dự án thiện nguyện mình tâm đắc nhất chính là “Cùng em đến trường”, mình thực sự thấy vui khi những mầm non tương lai của đất nước được lớn lên trong tình yêu thương và yên tâm học hành” - chị Nga tự hào chia sẻ.
Sự xuất hiện bất ngờ của anh Duy Long người bạn đồng hành cùng chị Nga trong mọi hành trình thiện nguyện khiến chị Nga rất xúc động. Anh Long còn bật mí thêm nhiều dự án tình nguyện ý nghĩa của người phụ nữ khuyết tật nhưng giàu lòng nhân ái này.
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Nga cho biết chưa bao giờ chị thôi hy vọng mình có thể đi lại được để những hoạt động thiện nguyện suôn sẻ hơn. Dù thế nào đi chăng nữa, công việc này cũng sẽ không bao giờ dừng lại.
Chị chỉ mong có thêm thật nhiều người khó khăn được giúp đỡ, thật nhiều em nhỏ được đến trường. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chị Nga trên hành trình đầy nhân văn ấy.
Trong chương trình, chị Thái Thị Hằng Nga có nhắc đến “ông tiên tóc bạc” đã khiến cuộc đời chị bước sang một trang mới ý nghĩa hơn, đầy tình yêu thương hơn. Người ấy là ai? Tất cả sẽ được bật mí trong "Trạm yêu thương" chủ đề “Nẻo đường yêu thương” lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 9/11 trên kênh VTV1.