Chương Mỹ: Tập huấn kỹ thuật bảo quản quả bưởi sau thu hoạch
Tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số đến 579 xã, phường Hơn 200 cán bộ y tế tập huấn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn |
Mục đích của buổi tập huấn nằm trong khuôn khổ hợp tác phát triển nông nghiệp tại 3 huyện trên địa bàn Hà Nội của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với hơn 1.000 ha trồng bưởi tại huyện Chương Mỹ, vấn đề tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn trong trồng trọt, an toàn thực phẩm, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản cho quả là việc làm cần thiết.
Các hộ nông dân trồng bưởi chăm chú lắng nghe các chuyên gia hướng dẫn |
Nội dung tập huấn được tập trung khai thác với 6 phần. Mỗi phần nội dung chính đều được phân tích cụ thể, ví dụ minh họa, hình ảnh sinh động và có liên hệ trực tiếp với thực tiễn sản xuất. Vấn đề cốt lõi nhất xuyên suốt cả quá trình đó là công tác vệ sinh và nâng cao sức khỏe, phẩm cấp cho cây trồng một cách thân thiện, bền vững.
Những thông tin về kỹ thuật trong từng khâu được PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ chi tiết tới các hộ dân |
Các quy định, tiêu chuẩn và quy trình cụ thể được giới thiệu tại buổi tập huấn với mong muốn các hộ gia đình trồng bưởi không ngừng cải tiến phương pháp trồng trọt, chăm sóc bưởi, đồng thời tập trung hơn nữa về kỹ thuật sơ chế và bảo quản bưởi. Sau buổi tập huấn tại hội trường, nhóm báo cáo viên xuống địa bàn trồng bưởi, xem thực tế vùng trồng cùng với các hộ nông dân, phát hiện được nhiều loại sâu bệnh, ốc sên xuất hiện khắp mọi bộ phận của cây.
Các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc vệ sinh vườn giúp giảm sâu, bệnh, giảm chi phí thuốc và phun thuốc, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng của quả. Chăm sóc cây sau thu hoạch (tỉa cành, bao quả, bón phân, phun thuốc) sẽ hỗ trợ quá trình phát triển của cây, giảm chi phí cho phòng trừ bệnh hại, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của quả.
Hình ảnh thực địa, ứng dụng những kiến thức được tập huấn vào quá thực tế |
Từng kỹ thuật nhỏ trong chăm sóc cây, phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản đã được nhóm báo cáo viên phân tích kỹ lưỡng và chỉ ra cách thức để khắc phục những điểm còn đang tồn tại. Đồng thời, với tình hình còn thiếu thốn cơ sở vật chất như chưa có địa điểm nào đạt đủ yêu cầu vệ sinh, thoáng khí cho công tác sơ chế và bảo quản, cần sự phối hợp của hợp tác xã để xây dựng mô hình, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho cây bưởi và người nông dân có động lực hơn trong việc chăm sóc, bảo quản quả bưởi.
Thông qua buổi tập huấn kỹ thuật này, những kiến thức cần thiết và quan trọng trong các khâu từ chăm sóc, sơ chế tới bảo quản quả bưởi được trang bị và phổ biến đầy đủ tới từng hộ nông dân. Các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng giải đáp khó khăn, thắc mắc của các hộ nông dân để sớm đưa thương hiệu bưởi của Chương Mỹ đến thị trường xa hơn.