Chương trình học mới tại RMIT chuẩn bị sinh viên cho nền thời trang toàn cầu
Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Tiến sĩ Nina Yiu (đứng giữa trong hình) cho biết chương trình mới sẽ chuẩn bị để sinh viên RMIT có thể nắm giữ những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp thời trang |
Chủ nhiệm ngành Quản trị doanh nghiệp thời trang Đại học RMIT, Tiến sĩ Nina Yiu cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước.
“Chuyển đổi mạnh mẽ đang diễn ra trong thị trường khách hàng làm tăng mạnh nhu cầu về nhân viên và đội ngũ quản lý không chỉ thông thạo thiết kế và quản trị sản phẩm, bán lẻ và kinh doanh (lập kế hoạch, phát triển và giới thiệu sản phẩm), mà còn cần giỏi quản lý quan hệ khách hàng và truyền thông”, Tiến sĩ Yiu nhận định.
Tiến sĩ Yiu lý giải rằng với những thay đổi mới, chương trình Cử nhân Quản trị doanh nghiệp thời trang tại RMIT sẽ giảng dạy những kiến thức và kỹ năng nêu trên nhằm đảm bảo sinh viên khi ra trường sẵn sàng đảm đương được những vị trị chủ chốt trong các doanh nghiệp thời trang. Cụ thể, chương trình sẽ bồi đắp nền tảng kiến thức và kỹ năng bán lẻ, tiếp thị và quản lý sản phẩm thời trang cho các bạn.
“Chương trình gồm 30 môn học này sẽ cung cấp cho sinh viên nền tảng vững chắc và hiểu biết sâu về những khía cạnh cũng như lĩnh vực khác nhau trong ngành thời trang, trong đó có phát triển bền vững và đạo đức trong ngành.
Các bạn sẽ còn được tiếp xúc với doanh nghiệp qua các buổi nói chuyện của diễn giả khách mời, các dự án Học tập từ thực tiễn làm việc và chương trình thực tập. Qua đó, các bạn có cơ hội liên hệ lý thuyết với thực tế, và hợp tác chặt chẽ với đối tác thực sự trong ngành”, bà chia sẻ.
Trong một số dự án thời trang thực tiễn gần đây tại Đại học RMIT, sinh viên được làm việc cùng doanh nghiệp quốc tế như Inditex, H&M, Woolmark và Li & Fung để phát triển sản phẩm mới cũng như lên kế hoạch bán hàng toàn diện.
Một nhóm sinh viên ngành thời trang tại Đại học RMIT đã dùng nguyên liệu làm giày dép còn dư, như da thuộc và da PVC, từ các nhà máy sản xuất giầy thể thao của Inditex (đơn vị sở hữu nhãn hàng Zara) để làm túi tote mang tính sáng tạo và ứng dụng cao |
Sinh viên ngành thời trang còn được truy cập các nguồn tư liệu trực tuyến như thư viện thời trang Berg, bộ lưu trữ tạp chí thời trang Vogue và trang web các xu hướng thời trang WGSN, giúp các bạn luôn nắm bắt được những xu hướng chính trong ngành.
Tiến sĩ Yiu nhấn mạnh, môi trường học quốc tế, trang thiết bị cao cấp, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp và trải nghiệm toàn cầu tại RMIT sẽ đảm bảo rằng “sinh viên luôn có được trải nghiệm học toàn diện và giúp thay đổi cuộc đời”.
Là cựu sinh viên RMIT và nhà sáng lập nền tảng ký gửi thời trang tái sử dụng Coco Dressing Room, Thư Vũ chia sẻ rằng thời gian theo học ngành thời trang ở RMIT đã vun đắp cho sự nghiệp của cô.
“Vào năm cuối đại học, tôi đã lần đầu thắng một dự án hợp tác với một tập đoàn đa quốc gia. Chính dự án đó đã mở ra cho tôi cơ hội làm việc với các công ty lớn khác tại Việt Nam, gồm tổ chức sự kiện thời trang và tư vấn thời trang cho họ. Đó cũng là bước đầu để tôi xây dựng sự nghiệp của mình”, Thư Vũ cho biết.
Khám phá thêm về hành trình của Thư Vũ qua đoạn phim do Đại học RMIT thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam.
|