Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, sạch, đẹp
Phát triển đô thị là yếu tố cốt lõi, đóng góp vào sự phát triển bền vững Hà Nội tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị |
Hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại, khang trang
Sau 5 năm triển khai, Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2021” đã đạt nhiều kết quả tích cực. 6/9 chỉ tiêu của chương trình đề ra đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành.
Hạ tầng đô thị của Hà Nội thay đổi mạnh, từng bước hiện đại |
Cụ thể gồm các chỉ tiêu: Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch 100%; tỷ lệ phủ mạng, đấu nối vào hệ thống nước sạch khu vực nông thôn đạt 78% (năm 2015 đạt 37%); tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn ở khu vực đô thị là 100%, nông thôn là 90%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý 100%.
Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội xác định danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm. Đến nay 10 dự án đã hoàn thành, 2 dự án hoàn thành giai đoạn 1, 9 dự án đã khởi công và đang thi công xây dựng, 34 dự án và 1 hạng mục đang chuẩn bị thực hiện.
Riêng về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giai đoạn qua, thành phố đã hoàn thành 5 tuyến dường giao thông theo quy hoạch vùng, 5 cầu vượt qua các nút giao thông trọng điểm… Kết hợp giữa đầu tư hạ tầng với ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý điều hành giao thông đã giúp thành phố xử lý, giải quyết được 10/33 điểm ùn tắc.
Việc tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư đối với các dự án trọng điểm giao thông góp phần nâng diện tích đất đô thị dành cho giao thông tăng nhanh. Vận tải hành khách công cộng được quan tâm đầu tư, mở rộng góp phần nâng cao năng lực vận tải hệ thống giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông…
Cũng trong 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả việc thu hút đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở mới. Đến nay, trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100% hệ thống hạ tầng tại các khu đô thị mới được ngầm hóa.
Bên cạnh đó, tình trạng úng ngập đã cơ bản được giải quyết, giảm thiểu mức độ bị úng ngập và thời gian úng ngập. Hệ thống hồ tiếp tục được cải tạo, tình trạng ô nhiễm nước hồ được giải quyết triệt để…
Cần thêm những chính sách đột phá
5 năm qua, kết cấu hạ tầng đô thị của Hà Nội đã hiện đại hơn nhiều, diện mạo của thành phố ngày càng khang trang song, đánh giá khách quan thì vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế.
Có thể kể đến như: tiến độ hoàn thành các quy hoạch đô thị cũng như tiến độ triển khai các công trình trọng điểm giao thông chậm; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra phức tạp; việc cải tạo các khu chung cư cũ gặp nhiều vướng mắc; vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng còn phổ biến…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên, cả khách quan và chủ quan. Vì thế, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình số 06 trong giai đoạn tiếp theo, thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng quy định cụ thể cơ chế chính sách đặc thù tạo điều kiện phát triển đô thị Thủ đô; tăng cường phân cấp, phân quyền thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng cho thành phố.
Đồng thời, trong khi chờ sửa đổi Luật Thủ đô, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố áp dụng cơ chế đặc thù trong cải tạo, xây mới chung cư cũ; cơ chế phát triển nhà ở xã hội…
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thêm, giai đoạn 2021-2025 tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Trong đó, thành phố sẽ triển khai xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công; Tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; Thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, tái thiết thành các khu đô thị văn minh hiện đại.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh khớp nối hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, tăng tỷ lệ diện tích giao thông tĩnh toàn đô thị; Tập trung đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng; Đồng thời, đổi mới công nghệ trong duy trì vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải đô thị.;Hoàn thành các dự án phát triển mạng cấp nước để đảm bảo cấp nước sạch trên địa bàn thành phố đạt 100% đối với cả khu vực đô thị và nông thôn...
“Điều rất quan trọng là phải nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch; Tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng; không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.