Phát triển đô thị là yếu tố cốt lõi, đóng góp vào sự phát triển bền vững
Hà Nội tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị |
Đổi mới mạnh mẽ tư duy về mô hình và không gian đô thị
Chiều 21/8, tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, hơn 10 ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành và thành phố Hà Nội đã trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ những vấn đề mà Hà Nội kiến nghị, đề xuất.
Đáng chú ý, các ý kiến từ Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng đều thống nhất với những đề xuất của Hà Nội về tạo cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong cải tạo chung cư cũ; Việc phải có giải pháp đột phá để nâng cao số tầng các tòa nhà xây dựng nhằm thu hút nhà đầu tư và cho phép thực hiện dự án khi có từ 70-80% dân số đồng ý…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ đồng ý về việc tiếp tục thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, thực chất vấn đề này là quay lại như cũ (trước khi có Luật Thanh tra) và làm như tại Hà Nội là đúng, cho thấy hiệu quả thực tiễn.
Về tháo gỡ cho các hộ dân ngoài đê trong vấn đề xây dựng nhà ở, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đưa vào nội dung điều chỉnh của Luật Xây dựng sửa đổi; Song, vấn đề mấu chốt là thành phố phải phủ kín được quy hoạch tại các khu vực ngoài đê.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, liên quan đến Quy hoạch khu Bắc sông Hồng, nhất là trục Nhật Tân - Nội Bài và trục cầu Đông Trù, Hà Nội cần xác định đây là khu vực để phát triển nhà ở cao tầng, góp phần giảm tải cho khu vực nội đô; Do vậy, không nên xây dựng nhà ở thấp tầng tại đây nhằm tránh lãng phí đất. Đối với vấn đề xây dựng, cải tạo chung cư cũ, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho rằng Hà Nội cần có đột phá, điều chỉnh tầng cao để giảm mật độ xây dựng. Đồng chí cũng gợi mở Hà Nội nghiên cứu lập Hội đồng Kiến trúc để giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá cao kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước trong xây dựng, quản lý đô thị của Hà Nội, đặc biệt là tán thành những ưu tiên đối với việc phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, do vị trí tự nhiên, việc phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội có sức hút không đâu có được. Tuy nhiên, về quản lý đô thị, Hà Nội lại gặp những hạn chế bất lợi riêng, đòi hỏi phải vượt qua, để phát triển đô thị trở thành yếu tố cốt lõi đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong công tác quy hoạch, Hà Nội cần khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do tư duy phạm vi một số nội hàm của quy hoạch vùng Thủ đô đã thay đổi, đặc biệt là tư duy yêu cầu phát triển mới của Hà Nội đặt ra tầm nhìn mới.
Hà Nội cũng cần đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, đẩy nhanh quy hoạch chi tiết, nghiên cứu chỉnh sửa quy hoạch về chiều cao để linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực tiễn; Đổi mới mạnh mẽ tư duy về mô hình phát triển đô thị và không gian đô thị
Về vấn đề nhà ở, Hà Nội có nhu cầu nhà ở cao, do dân số hữu cơ đông. Tuy nhiên, trên địa bàn Thủ đô vẫn còn người có nhà nhưng bán kiên cố mặc dù tỷ lệ này cũng thấp nhất cả nước. Từ đó, trong nhiệm kỳ tới thì Hà Nội cần xóa sạch nhà ở đơn sơ, bán kiên cố. Đối với nhà tập thể, chung cư cũ, Hà Nội đang có 1.579 khu nhà chung cư cũ, đã có một số nhà đầu tư vào tham gia đầu tư nhưng vấn đề vướng mắc duy nhất là Luật và Thông tư, Nghị định. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị, vướng về Thông tư, Nghị định thì đề xuất sửa đổi và những vướng mắc về Luật thì xin cơ chế đặc thù để thí điểm.
Đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Xây dựng ký kết Quy chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo |
Còn trong vấn đề kiến trúc, TP cần đẩy mạnh thực hiện thiết kế đô thị tại một số khu vực như: Trục Láng - Hòa Lạc, trục Hồ Tây, nhất là khu vực hai bên bờ sông Hồng. Thực tế, việc này còn gặp khó do Luật Đê điều, phòng chống thiên tai nhưng nếu không thực hiện thì người dân vẫn lấn chiếm để xây dựng sẽ gây ra khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Hà Nội cần lồng ghép các chương trình của Bộ NN&PTNT để tạo ra một quỹ đất mới cho quá trình phát triển đô thị và tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Thủ đô.
Đối với đề xuất những vấn đề phối hợp giữa Bộ Xây dựng và TP Hà Nội trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, việc phối hợp trong thời gian tới sẽ thực hiện theo 3 hướng đó là: Tập trung giải quyết những vấn đề lớn; Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho Hà Nội trong việc thực hiện thẩm quyền giải quyết thủ tục xây dựng; Đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
“Bộ Xây dựng cam kết sẽ giảm 50% thời gian giải quyết công việc theo quy định khi có những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội đối với Bộ Xây dựng”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị nên tập trung lựa chọn một số vấn đề cấp thiết để thực hiện. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và UBND TP tập trung triển khai phối hợp giải quyết ngay trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc |
Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn thực hiện quy chuẩn mới về PCCC có hiệu lực từ ngày 1/7/2020; Hỗ trợ TP đi trước về công tác quy hoạch tại các huyện, xã chuẩn bị lên quận, phường; Giúp đỡ tháo gỡ vấn đề cải tạo các trường học bằng cách nâng tầng khắc phục tình trạng thiếu quỹ đất ở 4 quận nội đô.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, Bộ sớm phê duyệt thủ tục tạo điều kiện cho TP triển khai kịp thời việc sửa chữa, cải tạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP.
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, định hướng lớn của Hà Nội trong thời gian tới đối với lĩnh vực xây dựng là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch nhằm phát triển nhanh, bền vững. Do vậy, TP rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Xây dựng và các bộ ngành có liên quan.
Theo Bí thư Thành ủy, quy hoạch là vấn đề quan trọng nhất và nhiệm vụ cấp bách là rà soát điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 và theo Luật Quản lý quy hoạch 5 năm có thể rà soát sửa đổi nhưng đến nay đã 10 năm có rất nhiều thứ thay đổi từ luật pháp đến tư duy, tầm nhìn. Bên cạnh đó, những quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn cần lưu ý gắn với các tiêu chí đô thị. Bởi thực tế, những huyện về đích Nông thôn mới sớm nhất nhưng khi đặt mục tiêu lên quận lại khó hơn các huyện đạt chuẩn Nông thôn mới sau. Về quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đáy, sau khi Hà Nội mở rộng, thì diện tích khu vực này rất lớn nếu quy hoạch được sẽ là nguồn lực lớn để phát triển đô thị và giải quyết được sinh kế cho người dân.
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, từ năm 2012, dù TP đã có nhiều phương án, đề án nhưng hiện vẫn đang vướng. Chủ yếu do quy định luật làm sao bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà đầu tư - người dân - công tác quản lý Nhà nước. Từ đó, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Hà Nội trình Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền. “Nếu không hành động thì rất khó tiến triển”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, những nội dung liên quan đến quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị, phát triển nhà ở xã hội. Về chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho Hà Nội, Bí thư Thành ủy đánh giá cao và trân trọng cảm ơn; Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị của Hà Nội cũng cần phải chủ động, theo bám công việc và cùng tham gia với Bộ Xây dựng để đạt hiệu quả.