Chuyện chưa kể về “anh hùng đồi 595” Khe Sanh
![]() |
“1 chọi 40” , “1 chiến thắng 40”, rồi “Anh hùng đồi 595” là những gì mà thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt ấy người ta dùng để kể về Phạm Nhất Linh – một trung đội phó quả cảm…
Phạm Nhất Linh quê tại xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), nhập ngũ ngày 15/9/1965, được biên chế vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325.
Tháng 10 năm 1967, Sư đoàn 325 vào chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị). Từ tháng 1/1968, Nhất Linh cùng với Đại đội 5 được điều vào điểm cao 622, phối hợp với các đơn vị bạn bao vây căn cứ Trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Tà Cơn. Ngày 9/1/1968, chiến sĩ trẻ Phạm Nhất Linh được kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa.
![]() |
Anh hùng đồi 595 Khe Sanh - Phạm Nhất Linh
Tháng 2 năm 1968, Sư đoàn 325 rời khỏi Quảng Trị, tiếp tục đi sâu vào phía Nam; Riêng Tiểu đoàn 2 (đang cùng các đơn vị vây trung đoàn 26 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Tà Cơn) vì đã quen địa hình tác chiến nên được ở lại và chuyển sang Sư đoàn 304. Từ thời điểm ấy, Tiểu đoàn 2 được mang phiên hiệu Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304. Đại đội 5 của Phạm Nhất Linh tiếp tục chốt giữ trên điểm cao 595. Đây là một chốt quan trọng ở phía Tây Bắc sân bay Tà Cơn.
Chốt 595 lúc đầu chỉ có hai hầm, nối liền với nhau bằng giao thông hào nằm án ngữ ở hai bên đường cơ động cũ của xe tăng Mỹ. Khi Sư đoàn trưởng Hoàng Đan lên kiểm tra đã yêu cầu làm thêm một hầm chốt ở lưng chừng 595. Như vậy, tại chốt 595 hình thành thế chân kiềng hỗ trợ cho nhau. Phạm Nhất Linh lúc đó là trung đội phó trực tiếp chỉ huy trận đánh.
Ngày 6/4/1968, quân Mỹ bí mật đi vòng từ Đông Bắc lên. Phát hiện ra địch, trung đội phó Phạm Nhất Linh đã nhắc anh em giữ im lặng, bình tĩnh đợi địch vào gần. Khi chúng chỉ còn cách vài mét, Linh nổ súng, cả 5 tay súng của quân ta đều nhả đạn, địch chết nhiều phải rút chạy về phía sau, chui xuống hố bom và gọi máy bay và pháo đánh vào khu vực trận địa. Trong ngày, địch tổ chức tấn công 6 lần, lần nào chúng cũng vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân ta và phải bật về sau. Trung đội phó Phạm Nhất Linh cùng với các đồng đội hạ quyết tâm “còn người còn trận địa”. Chính vì vậy, 6 chiến sĩ là 6 tượng đài thép, cùng với sự trợ giúp của các đơn vị pháo của sư đoàn, trung đoàn chi viện… giúp chốt 595 vẫn đứng vững.
Đêm xuống, khi sương mù bao phủ, quân Mỹ mới rút về căn cứ.
Trong trận đánh ngày 6/4/1968, hai chiến sĩ trong trung đội là Thúy và Đợi bị thương nặng. Căn hầm số 1 chỉ còn trung đội phó Phạm Nhất Linh vừa phải chiến đấu, vừa băng bó, chăm sóc cho 2 thương binh. Buổi tối, đại đội cử người lên tiếp tế đạn dược và đưa thương binh về, đồng thời bổ sung lên chốt tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Bút và chiến sĩ Bùi Trọng Phiệt, xạ thủ RPĐ.
Ngày 7/4/1968, địch tấn công điên cuồng hơn, dùng cả máy bay phản lực và trực thăng đánh bom, dùng pháo binh bắn phá ác liệt vào khu vực trận địa 595. Điểm cao 595 rất lợi hại về quân sự nên quân Mỹ ráo riết bao vây và tấn công liên tục suốt ngày. Tiểu đội trưởng Bút và xạ thủ Phiệt lại bị thương, chỉ còn lại Phạm Nhất Linh, Trần Hữu Bào và Nguyễn Văn Thứ kiên cường giữ chốt 595 đứng vững cho đến khi được lệnh rút về phía sau.
![]() |
Chiến trường khe sanh 1968, nỗi ám ảnh kinh hoàng của quân đội Mỹ
Trong 2 ngày chiến đấu, 6 chiến sĩ trên đồi 595 dưới sự chỉ huy quả cảm và mưu trí của trung đội phó Phạm Nhất Linh đã đánh lui nhiều đợt tấn công của hàng tiểu đoàn lính thủy quân lục chiến Mỹ, diệt gần 200 tên Mỹ, bắn cháy 1 máy bay trực thăng.
Để bảo vệ chốt 595, hai chiến sĩ Bùi Trọng Phiệt và Nguyễn Tất Thúy đã anh dũng hy sinh, bốn đồng chí Đợi, Bút, Thứ và Linh đều bị thương. Tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì; hai đồng chí Phiệt và Thúy được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Các đồng chí Phạm Xuân Đợi, Nguyễn Xuân Bút, Phạm Hồng Thứ, Tràn Hữu Bào, Phạm Nhất Linh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Nếu trước đây ta có tiểu đội Bùi Ngọc Đủ 1 thắng 20, thì nay trong trận bao vây quân Mỹ ở căn cứ Tà Cơn, trận địa 595 dưới sự chỉ huy của trung đội phó Phạm Nhất Linh đã đạt kỷ lục mới, 1 diệt 40.
Từ ngày 4/5/1968 đến ngày 20/8/1968, báo Quân đội nhân dân viết ba bài: “Sáu dũng sĩ đồi 595 Khe Sanh”, “Trên cao điểm 595”, “Trần Hữu Bào 2 ngày diệt 78 tên Mỹ”; Ngày 19/8/1968, báo Nhân dân đăng bài “Dũng sĩ đồi 595”… để ca ngợi chiến công của Phạm Nhất Linh cùng các đồng đội.
Ngày đó Sư đoàn 304 có đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đồng chí Trần Hữu Bào, còn Phạm Nhất Linh, vì bị thương phải chuyển ra bệnh viện tuyến sau, sau đó lại chuyển sang đơn vị khác nên tên anh không có trong danh sách này.
Năm 1970, Phạm Nhất Linh được điều về Tiểu đoàn 582 thuộc Sư đoàn 320B làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường. Nhiều người không thể ngờ người sĩ quan có dung mạo hiền lành, điềm đạm đó là một Dũng sĩ diệt Mỹ. Không chỉ chỉ huy tổ chiến đấu, trong 2 ngày diệt hơn 200 tên Mỹ mà bản thân ông còn trực tiếp hạ gục 25 tên địch.
Khi được đề cập tới việc phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, Phạm Nhất Linh nở nụ cười hiền, gạt đi và nói “còn rất nhiều đồng chí xứng đáng hơn mình”. Có lẽ những tháng ngày máu lửa hào hùng, luôn cận kề với cái chết, không phút giây run sợ mà ông cùng đồng đội đã trải qua mới chính là sự ghi nhận cao quí trong cuộc đời binh nghiệp của một người đã từng được gọi là “anh hùng đồi 595”
Đại tá Nguyễn Huy Toàn
(Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Khánh thành nhà máy sản xuất phụ kiện và phụ tùng ô tô

Ươm mầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên

Tổ chức tham quan mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu

Đội CFIM giành Quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “I impACT”

APEC Innovation 2024: Ban Tổ chức tiếp nhận 1.191 ý tưởng dự thi từ gần 4000 sinh viên

Thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Hà Nội tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp

“Xưởng khởi nghiệp” đầu tiên tại Việt Nam vận hành bằng AI
