Chuyện đời đặc biệt của bác sĩ Trần Đông A và 2 ca mổ lịch sử tách song sinh dính liền
Cặp song sinh dính liền Trúc Nhi và Diệu Nhi |
Đường đến tri thức không trải hoa hồng
Dừng lại chỉ vài phút giữa một rừng máy ảnh, máy quay phim, GS. BS Trần Đông A khẳng định: "Đến lúc này, ca mổ đã diễn ra đúng như dự tính... Ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam về tách dính trẻ song sinh dính liền".
Sẽ không ai hoài nghi điều đó. Bởi lẽ GS. BS Trần Đông A là một trong 9 bác sĩ chuyên gia được mời tham vấn cho kíp mổ, túc trực bên hai bệnh nhi suốt 13h liền từ khi hai cháu được gây mê cho đến khi ca mổ hoàn tất. Cũng chính ông, vào năm 1988, đã giữ vai trò điều phối, chỉ huy, phẫu thuật viên chính ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức thành công vang dội. Đó là ca mổ tách dính thứ 7 trên toàn thế giới và là ca đầu tiên ở Việt Nam.
Bác sĩ Trần Đông A là người đi tiên phong. Cùng với 62 bác sĩ cộng sự, ông đã thành công. Bây giờ, thế hệ bác sĩ học trò ông do TS BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố làm Trưởng kíp, với sự tham gia của đội ngũ 97 y bác sĩ đã đưa trình độ mổ tách dính của y khoa Việt Nam lên một tầm cao mới.
Nụ cười của bác sĩ Trần Đông A sau ca phẫu thuật thành công |
Trang Wikipedia nhận định về GS. TS Trần Đông A rất chính xác: "Trên mọi phương diện, ông là một tấm gương lớn về y đức, về tài năng và nỗ lực không ngừng vượt lên "cái bóng của chính mình". Và “cái bóng” đó cũng đã có nửa đời tưởng chừng lỡ nhịp với không ít đoạn trúc trắc, gập ghềnh.
Trần Đông A sinh năm 1941, quê gốc ở xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định. Như nhiều vùng chiêm trũng khác ở đồng bằng Bắc Bộ, quê ông cũng rất nghèo. Trước năm 1954, số người có đủ khả năng để theo đòi chữ nghĩa, thành công trên đường học vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung vào một số rất ít những gia đình khá giả. Gia đình Trần Đông A không nằm trong số đó. Nhưng ông vẫn học rất giỏi.
Năm 1954 ông theo theo gia đình di cư vào Nam, chọn Sài Gòn làm nơi lập nghiệp. Ông tiếp tục việc học tại Trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn Sài Gòn. Hai năm sau, khi cậu thiếu niên học lên đệ ngũ thì trường này lại chuyển về tỉnh Gia Định. Ông quyết định học song song, vượt lớp, sáng học đệ ngũ tại trường Hồ Ngọc Cẩn, chiều học lớp đệ tứ ở trường tư. Hè năm 1958, ông lấy bằng tú tài II trước bạn bè cùng khóa ở trường cũ 1 năm.
Ngay từ đầu, Trần Đông A đã ôm mộng trở thành thầy thuốc cứu người. Nhưng điều kiện gia đình khó có thể bảo đảm để ông có thể theo đuổi giấc mơ một cách suôn sẻ. Vì thế, lấy xong chứng chỉ PCB (Lý - Hóa - Sinh) của Đại học Khoa học Sài Gòn, ông đã theo học Đại học Y khoa Sài Gòn theo diện tình nguyện, ra trường sẽ trở thành bác sĩ quân y. Là người hồn hậu, ôn hòa, Trần Đông A không muốn dự phần vào cuộc chiến, không muốn tham gia vào trò chơi giết chóc. Nhưng thời loạn, ông thấy mình khó có thể đứng ngoài cuộc chiến. Ông tình nguyện khoác áo lính lên người nhưng không để đánh nhau mà để cứu người. Cùng khóa ĐH Y khoa với ông có cả thảy 9 bác sĩ tình nguyện như thế.
Ra trường năm 1966, đóng lon trung úy y sĩ, ông phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù. Vừa trực tiếp cứu chữa những người lính bị thương trên các chiến trường, ông vừa tiếp tục học nội trú tại Tổng Y viện Cộng Hòa của quân đội Sài Gòn ở Gò Vấp (nay là Bệnh viện 175). Một giáo sư nổi tiếng tại Tổng y Viện Cộng Hòa am tường nhân tướng học đã nói với hai học trò truyền nhân đắc ý của mình là Trần Đông A và Trần Thành Trai rằng: “Hai anh tương lai còn nhiều trắc trở, nhưng đều là những nhân tài sẽ thành công vang dội. Các anh sẽ gắn chặt sự nghiệp với nhau và đều nổi tiếng hơn tôi”. Về sau, nhận định này quả nhiên chứng nghiệm. Cả hai đều là những giáo sư y khoa sự nghiệp lẫy lừng. Họ là hai trong số ba phẫu thuật viên chủ chốt trong ca mổ Việt – Đức. Người thứ ba là bác sĩ Dương Quang Trung, sau này cũng là GS. TS Y khoa, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
Ca mổ phức tạp với sự tham gia của hơn 90 y, bác sĩ |
Chín năm quân ngũ, Trần Đông A chưa từng nổ một viên đạn. Ông từng tham gia Trận Làng Vây và Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, dũng cảm, ông thường xuyên phải thực hiện các ca mổ ngay tại chiến trường. Giữa bom đạn đôi bên gầm thét, tay ông vẫn cầm chắc dao mổ, trở thành một trong những bác sĩ quân y có tần suất mổ nhiều và thành công nhất. Ông từng được thưởng nhiều huy chương, trong đó có 5 huy chương anh dũng bội tinh, một huy chương của Sư đoàn Không kỵ Hoa Kỳ.
Ông cũng từng được quân đội Sài Gòn gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas để nâng cao tay nghề. Năm 1975, ông là thiếu tá, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Với vị trí này, ông phải chịu 2 năm "học tập cải tạo" tại trại Suối Máu (Đồng Nai), dù đời ông, việc ông làm tất cả chỉ là cứu người, không liên quan gì đến chiến tranh hay chính trị.
Kỳ quan thứ 7
Bi kịch của một trí thức là không được làm việc, không có cơ hội cống hiến. Rời trại cải tạo, Trần Đông A cũng như những bác sĩ y sĩ đồng khóa đều không thể tìm được cơ hội phục vụ trong các bệnh viện. Một bác sĩ y sĩ từng phục vụ trong lực lượng bộ binh, phẫn chí đã thường xuyên tự đập đầu vào tường, phải đưa đi cấp cứu. Một số người khác đã nhiều lần tìm cách vượt biên, mong tìm đất mới, thoát khỏi cảnh chủ gia đình trình độ chuyên môn cao nhưng đời sống túng quẫn và mòn mỏi. Hầu hết sau này, họ đều định cư ở nước ngoài.
Ê kíp mổ vui mừng trước thành công của ca phẫu thuật |
Bác sĩ Trần Đông A cũng từng toan tính chuyện “lưu vong” nhưng bất thành. Nhưng những khó khăn, thay đổi, kể cả biến động lịch sử cũng chỉ có thể trì hoãn chứ không thể ngăn cản hay tước bỏ được thành công của người thầy thuốc tài ba. Trình độ chuyên môn cao, danh tiếng nghề nghiệp lừng lẫy đã cứu ông khỏi cơn bế tắc. Năm 1978, ở tuổi 47, ông được nhận vào Bệnh viện Nhi Đồng II, TP Hồ Chí Minh. Phần đời sau của ông là chuỗi 43 năm cống hiến với vai trò bác sĩ Nhi khoa. Ở đó, ông vượt lên khó khăn và những thiệt thòi để làm việc, nghiên cứu, tận hiến. Và 10 năm sau, ông đã đóng vai trò chính, cùng đồng nghiệp dựng nên một kỳ quan.
Năm 1981, Nguyễn Việt và Nguyễn Đức ra đời tại Kon Tum. Cặp song sinh bị dính nhau do bị ảnh hưởng chất độc da cam, chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt. Được Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị, đến đầu tháng 12/1982, cặp song sinh được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Thời đó, đất nước đang trong giai đoạn rất khó khăn. Ngành y thiếu thốn đủ bề, từ thuốc men đến phương tiện, dụng cụ y tế. Nhiều ca mổ, điều trị, bác sĩ thiếu tới cả chỉ may vết thương, không có thuốc sát trùng da, kháng sinh, kháng viêm.
Nhưng số phận không ngoảnh mặt với hai đứa trẻ song sinh tật nguyền. Sau một chuyến đến thăm vào năm 1983, GS Fujimoto Bunro đã về Nhật thành lập Hội vì sự phát triển của Việt - Đức, quyên góp để giành sự sống cho hai đứa trẻ. Người dân Nhật đã ủng hộ rất đông đảo, nhiệt tình.
Đức tương đối lành lặn về thần kinh và trí não. Việt thì bị bại não, thường xuyên lên cơn co giật, tay co quắp, gồng cứng. Mỗi lần như thế, Việt lại kéo lê người anh em dính liền ngã dúi dụi, không cách gì cưỡng lại được. Được một thời gian, Nguyễn Việt rơi vào hôn mê, sống đời thực vật trong khi Đức vẫn tỉnh táo. Cặp song sinh được Hội chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị 3 tháng, đến ngày 29/10/1986 thì trở về Việt Nam. Việt đã không còn tri giác, thường xuyên bị sặc, ngưng thở, thường xuyên phải được cấp cứu. Mỗi lần vào thuốc cứu Việt, Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hôn mê theo. Nếu Việt chết, Đức cũng sẽ chết. Việc tách rời cặp song sinh dính liền nhau là yêu cầu không thể trì hoãn.
Sau gần một năm chuẩn bị với vô số cuộc hội chẩn, ngày 4/10/1988, Việt và Đức được phẫu thuật tách dính. 62 bác sĩ bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã vào cuộc thay tạo hóa sinh ra phần đời riêng cho anh em Việt – Đức. Toàn bộ chi phí, trang thiết bị, thuốc men nhờ sự giúp đỡ của người dân Nhật Bản, đều được chuẩn bị sẵn sàng, kể cả phòng mổ siêu vô trùng. Ca mổ vô tiền khoáng hậu do GS BS Trần Đông A làm trưởng kíp phẫu thuật. Đồng chỉ đạo chuyên môn và trực tiếp phẫu thuật cùng ông là các BS Dương Quang Trung và Trần Thành Trai. Kết quả thám sát cho biết có một nguy cơ rất lớn: màng dính xương chậu quá cứng, không tách được như dự kiến, phải phẫu đục. Khi BS Lê Kính và BS Võ Văn Thành thực hiện đục thành xương, GS Trần Đông A đưa ngón tay mình vào dẫn đường. Nếu trượt, đục sẽ cắt vào ngón tay vị bác sĩ, nhờ thế sẽ không làm tổn thương các phần cơ thể hai sinh linh nhỏ.
Sau 17 tiếng đồng hồ, ca mổ tách rời đầu tiên ở Việt Nam đã thành công. Hai đứa trẻ đã có hai cuộc đời riêng. Việt tiếp tục được chăm sóc trong đời sống thực vật ở làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ thêm 19 năm mới mất. Đức cũng ở đó, có thể dùng nạng đi lại như một đứa trẻ tật nguyền nhưng bình thường, được học hành, trưởng thành và làm việc tại làng. Năm 2006, anh lập gia đình với một cô gái cùng là nhân viên tại làng Hòa Bình. Họ có 2 đứa con khỏe mạnh. Ngày Đức cưới vợ, cũng như những dịp quan trọng khác trong đời anh, GSBS Trần Đông A đều đến chung vui.
Thành công của ca mổ nhanh chóng được cả thế giới biết đến. Trước thời điểm đó, cả thế giới chỉ có 6 ca mổ song sinh dính liền được thực hiện thành công. Kết quả, có hai cặp sống cả hai, hai cặp chết cả hai, hai cặp sống một. Ca mổ Việt - Đức khó hơn hẳn, vì đây là ca mổ tách dính duy nhất mà một trong hai bệnh nhi dính liền đã chết não. Không thể tiên lượng trước khả năng phản ứng của cơ thể Việt với thuốc và quá trình mổ kéo dài, rất dễ tử vong ngay trên bàn mổ. Việt chết, Đức cũng sẽ khó được cứu sống. Nhưng cuối cùng, kỷ lục đã được lập. Cả hai đều sống. Việt kéo dài được thêm 19 năm, còn Đức đã có cả một cuộc đời bình thường...
Trong lịch sử y khoa thế giới, chưa từng có ai tiến hành mổ trên một bệnh nhân bại não. Cho tới hôm nay, thế giới vẫn chưa có ca nào khó tương tự mà được mổ thành công. Kỷ lục Giuness mà các bác sĩ Việt Nam đạt được sẽ khó có cơ hội bị thay thế.
Tái lập kỳ tích, tái tạo cuộc đời
Tên tuổi GS BS trần Đông A vang khắp thế giới. Và 32 năm sau, ông lại tiếp tục lập kỳ tích khi giữ vai trò chuyên gia tham vấn cho ca mổ bóc tách dính liền Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Gia đình khóc khi 2 bé được đưa vào phòng mổ |
Bé Trúc Nhi - Diệu Nhi là hai con gái của chị Trần Thị Hồng Thúy, 25 tuổi ở quận 9, TP Hồ Chí Minh. Trong lần mang thai đầu tiên năm 2019, chị được các bác sĩ của BV Hùng Vương cho biết, thai nhi là hai bé gái bị dính nhau ở phần bụng, chậu. Chị quyết định giữ lại con của mình.
Ngày 7/6/2019, hai bé được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh chủ động an toàn lúc thai 33 tuần. Cả hai cân nặng 3,2 kg. Chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từ sau sinh, hai cháu được các bác sĩ hồi sức sơ sinh tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong và các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1/200.000 trẻ. Chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus, tức tỷ lệ 1/12 triệu.
Sau vô số lần hội chẩn, hai cháu được quyết định mổ. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho biết 2 bé có chung 1 phần hồi tràng, 1 khung đại tràng và chỉ có 1 lỗ hậu môn. Về hệ thận niệu: 2 bé có 2 bàng quang nằm 2 bên của ổ bụng chung, mỗi bàng quang được 2 niệu quản xuất phát từ 2 bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng 1 bé. Cơ quan sinh dục 2 bé có tử cung âm đạo đôi. Cơ thể song sinh dính nhau hở khớp mu, khung chậu 2 bé lại xếp thành 1 vòng tròn. May mắn hơn cặp Việt - Đức xưa là cả hai có đủ 4 chân tay, não và hệ thần kinh bình thường. Ở tháng tuổi thứ 13, hai bé cân nặng được 15 kg.
GSBS Trần Đông A cho rằng khó khăn lớn nhất chính là việc hở xương chậu. Nếu đóng được thì tất cả các cơ quan bên trong đều được ở đúng vị trí. Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã sử dụng hai phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 đủ chuẩn quốc tế, đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu sẵn sàng cho cuộc mổ. Ca phẫu thuật bắt đầu gây mê lúc 6g30 ngày 15/7. Lúc 9g 51 phút, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Trưởng kíp mổ rạch da đường đầu tiên. Sau 13 giờ liên tục, đến 19 giờ 20 phút, ca mổ kết thúc. Các chỉ số đo sinh hiệu hai bé hoàn toàn ổn định.
GS Trần Đông A như muốn bật khóc: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi mà trong 32 năm qua, tôi được tham gia vào hai ca phẫu thuật tách dính song sinh thuộc loại khó, hiếm như Việt -Đức và Trúc Nhi-Diệu Nhi”.
Nụ cưới tận hiến
Ông về hưu khi đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh. Ông cũng từng là Đại biểu Quốc hội 2 khóa XI và XII. Viên sĩ quan mũ nồi đỏ nhiều anh dũng bội tinh của chế độ trước lại tiếp tục được gắn thêm nhiều huân, huy chương và sự ghi nhận công lao ở chế độ sau. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động... Gần như mọi thành công và vinh quang trong đời mà một thầy thuốc có thể đạt được, ông đều có đủ. Tất cả đều nhờ sự tận tụy với chuyên môn và tri thức.
Gần 80 tuổi, BS Trần Đông A vẫn chơi tennis |
Tiếng tăm lừng lẫy nhưng ông vẫn không mở bệnh viện riêng hay phòng mạch tư. Dù đã về hưu, ông vẫn đều đặn từ 6h sáng đến chiều tối miệt mài trong bệnh viện. Luôn trăn trở truyền nghề, truyền tri thức cho thế hệ sau, ông trở thành Chủ nhiệm bộ môn ngoại nhi Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận hôm nay. TSBS Trương Quang Định chính là một truyền thừa xứng đáng trong nghề mà ông tâm đắc. Thầy đã cùng trò tái lập một kỳ tích thay tạo hóa sinh ra cuộc đời mới cho hai đứa trẻ.
Rất bận, nhưng ông vẫn thường xuyên chơi thể thao. Đến bây giờ, ông già 79 tuổi vẫn đều đặn chơi vài set tennis vào mỗi sáng, trước khi đến bệnh viện hay giảng đường. Ông bảo, không sống khỏe, không suy nghĩ tích cực thì không làm được việc gì, nói chi đến lập kỳ tích.
GSBS Trần Đông A là minh chứng sống của một định đề: bất chấp mọi sự níu kéo, cản trở hay hủy hoại của lịch sử, những con người giàu tài năng chuyên môn và luôn sục sôi tâm huyết cứu người, giúp đời sẽ luôn luôn tìm được thành công cùng sự kính trọng. Đương nhiên, vì họ tận hiến cho cuộc đời nên chế độ nào cũng cần đến họ. Sau ngày giải phóng, vượt lên định kiến và sự hẹp hòi, BS Trần Đông A đã tìm được một vị trí xứng đáng để thi thố tài năng cứu người, phục vụ xã hội. Đó chính là một thành công khá hiếm hoi của chế độ mới trong việc trọng dụng con người cũ. Tuy nhiên, điều này trong ngành y lại không ít. Thành công của họ không lệ thuộc vào thể chế.
Và đọng lại là một nụ cười hồn hậu. Thắng chính mình là Anh, vượt lên muôn người (siêu quần) chính là Hùng. Chỉ những người cả đởi tận hiến, sống kiêu hùng trai trẻ, mới có thể sở hữu một nụ cười hồn nhiên trẻ thơ, kể cả khi tuổi đã sắp sang bát thập.
GS. TS. BS Trần Đông A là một con người như thế!