Chuyển đổi số nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Y tế thông minh nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Theo thống kê của Sở Y tế, 100% bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin HIS; 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện… Đặc biệt, các bệnh viện cũng thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa.
Nhiều bệnh viện đã sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh, thay tế cho thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khám qua Face ID, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn triển khai tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt |
Bắt đầu thí điểm từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Đây cũng là giải pháp chiến lược góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.
Đặc biệt, bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy |
Từ lần thứ hai trở đi, bệnh nhân đến khám không phải mang theo giấy tờ để chứng minh thông tin, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, người dân sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện đã hoạt động rất hiệu quả, giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Ðồng thời, hệ thống hỗ trợ bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh quản lý viện phí hiệu quả.
Ngoài ra, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện y lệnh cho khối điều dưỡng, bệnh viện đã triển khai app điều dưỡng trên các phương tiện smartphone, giúp điều dưỡng dễ dàng tìm kiếm thông tin bệnh nhân, lịch sử điều trị qua Face ID, thao tác các phiếu điều dưỡng, tích hợp bệnh án điện tử của bệnh nhân ngay trên điện thoại thông minh.
Trong tháng 8/2023, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình chính thức trở thành đơn vị thứ 4 của ngành Y tế Thủ đô áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy (sau Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).
Bệnh viện Đa khoa Vân Đình áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy |
TS.BS Nguyễn Khuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình cho biết: “Là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình khám cho gần 1.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho hơn 400 lượt người. Việc áp dụng bệnh án điện tử vào hoạt động khám, chữa bệnh rất hữu ích cho cả bác sĩ và người bệnh”.
Để triển khai bệnh án điện tử, từ năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình bắt đầu triển khai hệ thống phần mềm quản lý HIS. Từ tháng 2/2023, bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS-LIS (phần mềm cận lâm sàng), áp dụng từng bước thanh toán điện tử, chữ ký số, thẻ khách hàng, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh bằng phần mềm PACS. Đến tháng 7/2023, bệnh viện đã cơ bản hoàn thành các điều kiện ứng dụng bệnh án điện tử.
Với những thành công ban đầu mà số hóa hồ sơ bệnh án điện tử mang lại, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Mỹ Đức, Xanh Pôn, Đức Giang, Phụ sản Hà Nội… đã phần nào giảm tải áp lực cho nhân viên y tế và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đây là một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Y tế Thủ đô.
Xây dựng mô hình “bệnh viện chị - em”
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về củng cố và phát triển y tế cơ sở, ngành Y tế Hà Nội chủ động đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn với những bước đi, cách làm sáng tạo như ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa áp dụng ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trực tiếp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân tại phòng khám Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì |
Hiện nay, số lượt người đến khám, chữa bệnh ở phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, thị trấn tăng lên, đạt trên 2 triệu lượt bệnh nhân/năm; có hơn 88% trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT...
Từ tháng 9/2023, mô hình “bệnh viện chị - em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm. Sở phân công 3 "bệnh viện chị" gồm Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện "bệnh viện em" là huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã trực tiếp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân tại phòng khám Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì |
Với Trung tâm Y tế huyện Ba Vì có 3 phòng khám đa khoa khu vực, 31 trạm y tế xã, thị trấn, với địa bàn trải rộng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xác định 5 mục tiêu hỗ trợ đó là nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm tại 3 phòng khám đa khoa, củng cố năng lực cấp cứu tại Phòng khám Minh Quang, vận hành hệ thống xét nghiệm tại Phòng khám Tản Lĩnh.
Trong thời gian ngắn, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã đào tạo nâng cao năng lực cấp cứu ban đầu cho 8 bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Ba Vì; nâng cao năng lực xét nghiệm cho 5 kỹ thuật viên xét nghiệm. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng thường xuyên hội chẩn chuyên môn từ xa với bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.
Các hoạt động hỗ trợ toàn diện trên tất cả lĩnh vực như quản trị bệnh viện; Đào tạo, hướng dẫn thực hành; phát triển chuyên môn kỹ thuật với nhiều hình thức hỗ trợ như: Hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ từ xa (online), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiến sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: "Trong 2 tháng đã hỗ trợ, hướng dẫn Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; tư vấn thành lập đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; hàng ngày đọc kết quả online phim X-quang, phim chụp cắt lớp vi tính, phim chụp cộng hưởng từ (MRI); thiết lập phòng hội chẩn online; quản lý bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường...
Nhờ hệ thống khám bệnh từ xa được thiết lập từ một tháng nay, bác sĩ từ Xanh Pôn thường xuyên hội chẩn hàng ngày với các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và các phòng khám khu vực ở Minh Quang, Tản Lĩnh và Bất Bạt.
Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến này, bệnh nhân được tham gia, nói chuyện cùng bác sĩ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được khám ra sao, kê đơn thuốc nào thì bệnh nhân ở các trạm y tế xã, bệnh viện huyện ở Ba Vì cũng vậy".
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại Hội nghị |
Sau 3 tháng triển khai, mô hình “Bệnh viện chị - em” đã đem lại thuận lợi cho bệnh nhân. Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ chuyên môn toàn diện, hằng ngày, cùng lúc cho Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế Ba Vì và nhiều đơn vị y tế tuyến xã tại huyện.
Trong đó, đi buồng ảo là thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cùng bác sĩ bệnh viện huyện thăm, đánh giá diễn biến sức khỏe ca bệnh nội trú hoặc các ca cấp cứu phức tạp, đưa ra chỉ định đúng, kịp thời.
Kết nối này giúp bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ cho công tác khám, chữa bệnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá cao hiệu quả của mô hình “bệnh viện chị - em” nâng cao chất lượng y tế cơ sở |
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: "Y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân sinh sống tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 của Bộ Y tế về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đặt tên mô hình là "Bệnh viện chị - em" đơn giản vì đó là mô hình có sự giúp đỡ, yêu thương, gắn bó như chị em trong nhà. Đã đến lúc y tế cơ sở phải hành động từ những việc làm rất thực chất, rất cộng đồng gắn với từng người dân.
Với mô hình này, điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu quyết định sự thành công và tính bền vững của mô hình đó là cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử".