Chuyển đổi số trong quy hoạch, tạo sức bật cho Thủ đô phát triển
Bình Dương hướng đến quy hoạch đô thị và nông thôn bền vững |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Lê |
Chiều 1/10, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đồng phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thủ đô Hà Nội - 70 năm sự nghiệp quy hoạch - Kiến trúc và phát triển đô thị (1954 - 2024)”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn dự hội thảo.
Tạo điều kiện để Thủ đô chuyển mình phát triển
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhìn nhận lại thành tựu của công tác quy hoạch Thủ đô sau 70 năm xây dựng và phát triển. Hội thảo nhận diện các cơ hội và thách thức, đồng thời tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, để tạo sức bật mới thúc đẩy Thủ đô phát triển thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Ban tổ chức đã nhận được gần 30 bài tham luận có giá trị của nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học, các sở, ngành của Hà Nội và các hội nghề nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn nêu, hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 10-2024. Trong đó, đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới.
Quang cảnh hội thảo |
Cụ thể, thành phố nghiên cứu xây dựng 5 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô, xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi, xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía Nam thành phố.... Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời, hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố.
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch xây dựng các quy định cụ thể, trình HĐND thành phố thông qua để triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những cơ chế, chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực, quy định rõ trách nhiệm tới từng cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện để Thủ đô chuyển mình phát triển trong giai đoạn tới.
70 năm Giải phóng Thủ đô là dấu ấn đặc biệt quan trọng
Phát biểu tham luận, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, 70 năm Giải phóng Thủ đô là dấu ấn đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị của Hà Nội, bởi đây là phần quan trọng không thể thiếu trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, thể hiện công tác quy hoạch luôn luôn tiếp cận đồng bộ, khách quan, nghiêm túc và bám sát định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
70 năm qua, công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị Hà Nội được thực hiện năng động, linh hoạt, đổi mới, nhưng còn tồn tại ở khâu huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Công tác quy hoạch cần được tiếp cận đa ngành, tiếp tục nâng tầm trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.
Một góc Hà Nội |
"Ngoài ra, để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, thành phố cần quan tâm phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; tiếp tục nghiên cứu xác định đúng vị thế và giá trị truyền thống của Hà Nội", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Tham luận về mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô với đặc thù thành phố trong Thủ đô, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô là một hướng đi khả thi và hợp lý nhằm giảm tải áp lực đô thị hóa, đồng thời phát huy tiềm năng của các khu vực lân cận. Với mô hình này, Hà Nội có thể đạt được sự phát triển bền vững, cân đối giữa bảo tồn và hiện đại hóa, đồng thời trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu của khu vực và quốc tế.
GS. TS Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn Thám Việt Nam nêu kiến nghị, TP Hà Nội cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong công tác quy hoạch; có quy hoạch hạ tầng dữ liệu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, sâu sắc cho TP. Đây sẽ là giải pháp rút ngắn thời gian nhất để tạo bước đột phá, phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại.