Chuyện làm phóng viên du lịch
Lần đầu làm phóng viên du lịch Thủ đô
15 năm hoạt động chuyên môn trong nghề báo nhưng đây là lần đầu tiên tôi phụ trách mảng du lịch Thủ đô, cầu nối thông tin giữa báo Tuổi trẻ Thủ đô và Sở Du lịch Hà Nội. Vì sự “mới mẻ” đó mà mỗi chuyến công tác, mỗi sự kiện của du lịch Hà Nội luôn giúp tôi có được cảm giác thích thú, hào hứng, không quản thời gian, địa điểm.
Phóng viên du lịch được thỏa sức check-in ở những địa điểm đẹp |
Nhắc đến chuyện nghề phóng viên du lịch, đa số mọi người đều nghĩ về những chuyến bay, khách sạn, bữa ăn miễn phí, có tài trợ, được đi đến nhiều nơi; Không phải chịu sức ép công việc và tận hưởng cuộc sống đáng mơ ước. Thực tế, công việc của những phóng viên mảng này là đi và viết về những nơi mình đến để quảng bá du lịch đến công chúng. Họ đem những điểm du lịch, các giá trị văn hóa ở mọi vùng miền với công chúng qua những bài viết, phóng sự ảnh, video, phim tài liệu nghệ thuật, chương trình truyền hình thực tế… Tuy nhiên, có những thứ mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Đầu tiên phải nói đến việc đúng giờ, đúng địa điểm. Gần đây nhất, chúng tôi được tham dự hoạt động thiện nguyện của Đoàn Thanh niên Sở Du lịch Hà Nội và Đoàn Thanh niên Ban Quản lý Lăng nhân dịp ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5. Để chuẩn bị cho hoạt động này, phóng viên phải đăng ký với Sở Du lịch từ sớm với đầy đủ thông tin. Để được vào khu vực Lăng Bác tác nghiệp, phóng viên cũng phải tập trung lúc 7 giờ sáng theo đoàn. Chúng tôi hiểu, nếu không đúng giờ và địa điểm thì có khi hoạt động diễn ra xong, cánh phóng viên mới vào đến nơi…
Phóng viên báo, đài tác nghiệp tại lễ khai mạc Lễ hội chùa Thầy 2023 |
Là phóng viên phụ trách mảng du lịch, bạn cũng đừng nghĩ đến việc thoải mái thưởng thức những đặc sản của địa phương, xem ca nhạc, thời trang… Nếu đi theo đoàn, ngoài việc tuân thủ quy định của ban tổ chức thì phóng viên cũng được sắp xếp lịch làm việc từ sớm đến tối muộn. Ngoài ra, các phóng viên cũng cần phải đi nhiều nơi, trải nghiệm mọi điều có thể ở từng điểm đến và tìm hiểu những thông tin cần thiết để hoàn thành bài viết. Đặc biệt, cánh phóng viên hoạt động trong lĩnh vực này phải là những người không say tàu xe.
Đó là câu chuyện đằng sau những tác phẩm viết về chủ đề du lịch, sự kiện của ngành Du lịch Hà Nội. Giống như khi bạn đi chơi nhưng thực ra là để làm việc, để tìm những điểm mới, khác lạ rồi chuyển tải vào tác phẩm của mình, khiến độc giả hứng thú mà cảm mến, mong muốn đến.
Được và mất khi làm phóng viên du lịch
Dù thế nào đi nữa, phóng viên du lịch vẫn là một trong những công việc thú vị. Nếu bạn thực sự là người thích xê dịch thì việc lang thang khắp nơi, gặp gỡ người mới, hòa nhập vào những nền văn hóa khác nhau chính là động lực để đi làm mỗi ngày. Sau tất cả, việc chắp bút viết về những điều mới lạ, truyền cảm hứng cho người đọc chính là phần thưởng tuyệt vời nhất cho những con người sống và cống hiến vì nghề này.
Với tôi, đó là kỷ niệm lần đầu tiên được xem một show diễn ở sân khấu nước lớn nhất Việt Nam trong chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Một phân cảnh hấp dẫn của show diễn Tinh hoa Bắc Bộ |
Tinh hoa Bắc Bộ là show diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Ngay khi được khởi diễn lần đầu năm 2017, chương trình đã tạo nên “cơn sốt” với khán giả và du khách bởi quy mô sân khấu hoành tráng, kỹ xảo hiện đại cùng số lượng diễn viên đông đảo.
Show diễn thực cảnh đã nhận được đánh giá cao của các chuyên gia văn hóa và nhiều tổ chức giải thưởng uy tín trên thế giới. Đầu tháng 6/2018, show diễn đã nhận giải Vàng Stevie Awards Châu Á - Thái Bình Dương (giải thưởng được tờ New York Post (Mỹ) ví như hệ thống giải Oscar dành cho giới kinh doanh) với hạng mục “Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan”; Tổ chức Guinness Việt Nam trao bằng xác lập 2 kỷ lục “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam”.
Từ tháng 3/2022, Tinh hoa Bắc Bộ đã tái công diễn sau một thời gian phải tạm ngừng vì yêu cầu giãn cách xã hội. Hiện, show diễn mở cửa đón khách vào tối thứ bảy hàng tuần với nhiều chính sách giá ưu đãi đặc biệt hấp dẫn.
Du khách phát trực tiếp tiết mục múa rối nước ở làng nghề múa rối Hà Nội |
Ngoài ra, đối với phóng viên mảng du lịch, cái được nữa đó là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với những người làm du lịch ở mọi miền đất nước, khi Hà Nội là cầu nối, điểm đến của nhiều hành trình du lịch hấp dẫn.
Những cái “được” của bản thân mỗi phóng viên khi làm du lịch đã tạo nhiều cảm hứng sáng tác. Các tác phẩm của phóng viên viết về mảng này cũng phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu của độc giả.
Nữ phóng viên ghi lại điểm độc đáo của một phim trường rộng nhất Hà Nội |
Với sự phát triển của ngành Du lịch và thời đại công nghệ hiện nay, hoạt động “báo chí du lịch” ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đồng thời, đó cũng là thách thức đối với những người làm nghề này như việc phải thích ứng với sự phát triển của công nghệ trong việc tạo ra các tác phẩm báo chí có độ trung thực cao, cập nhật và thời sự.
Tuy ngành Du lịch của Việt Nam nói chung, du lịch Thủ đô nói riêng đang phát triển nhưng vẫn còn nhiều điểm cần phải bổ sung và hoàn thiện để nâng cao chất lượng du lịch, giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững.
Du khách nước ngoài hứng thú trải nghiệp xe buýt hai tầng ở Hà Nội |
Có thể nói, sự phát triển của ngành Du lịch, công nghệ số và nhu cầu của xã hội ngày càng cao trong hưởng thụ dịch vụ thông tin là những điều kiện thuận lợi để “nhà báo du lịch” phát triển nghề nghiệp; Đồng thời khẳng định chức năng cao cả của nghề này đối với xã hội và đặt ra thách thức để giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Quan trọng hơn, những người làm báo du lịch phải luôn đặt mục tiêu quảng bá du lịch, phản ánh thực trạng ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch để đưa ra những giải pháp, ý kiến, giúp nâng cao chất lượng của ngành dịch vụ không khói này.