Cơ chế mới tạo đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài
Thu hút sử dụng nhân tài, khâu đột phá phát triển Thủ đô Môi trường làm việc dân chủ, thân thiện giữ chân người tài |
Ảnh minh họa |
Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô
Để đáp ứng được yêu cầu phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần "có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế".
Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.
Đối tượng thu hút, trọng dụng nhân tài, điều khoản bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô; bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra "cú hích" trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô. Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
TS. Bùi Xuân Phái, Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ tán đồng với quy định mới được đưa ra trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo cú hích mang tính đột phá cho xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để các quy định này thực sự có ý nghĩa, khả thi và có hiệu quả thực tế, TS. Bùi Xuân Phái cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến một số vấn đề sau: TP rà soát lại toàn bộ chính sách trong việc thu hút, trong dụng và phát triển nhân tài cho lĩnh vực công nói chung. Việc này nhằm tìm ra những điểm bất hợp lí, "bó cái khôn" trong công tác nhân sự.
Chẳng hạn, người có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác.
Ngoài ra, TP cần chú ý tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, phát hiện kịp thời các tài năng, đồng thời có kế hoạch trong việc sử dụng hay trọng dụng các đối tượng này. Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo sinh viên chất lượng cao hoặc sinh viên tài năng. Tuy nhiên, các chương trình này chủ yếu phục vụ cho những sinh viên và gia đình sinh viên có điều kiện chứ chưa phải là sự quan tâm, chú trọng từ phía Nhà nước...
Có chính sách trọng dụng nhân tài để tránh "chảy máu chất xám"
Mới đây, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 10/11, một trong những nội dung được đại biểu quan tâm là chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và chế độ thu hút, đãi ngộ, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, Thủ đô là đô thị đặc biệt nên cần cho thêm tiêu chuẩn người tham gia HĐND phải cao hơn, bởi vì phải giải quyết những vấn đề của quốc gia chứ không phải vấn đề của một địa phương. Đồng thời, phải trao quyền cho HĐND nhưng cũng phải trao quyền và trách nhiệm cho UBND.
Theo ông Cường, khi bộ máy phải thực hiện các trọng trách lớn thì chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải khác biệt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
"Chúng ta chỉ đưa ra mức quy định tăng không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, chỉ bằng một số địa phương khác thì tôi nghĩ có khi thấp, do đó, quỹ tiền lương này phải tăng cao hơn. Với quỹ tiền lương như vậy, mức chế độ tiền lương cho từng cá nhân là bao nhiêu, tôi đề nghị trong Luật Thủ đô không giới hạn”, đại biểu Cường nêu gợi mở.
Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, đây chính là hình mẫu của Thủ đô để tạo ra tính chất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, làm sao tiết kiệm nhưng lại tạo ra được hiệu lực tốt hơn. Vì vậy về mặt chính sách tiền lương, ông Cường đề nghị tổng quỹ tiền lương phải cao hơn 0,8 lần và chế độ tiền lương cho từng người không có mức giới hạn.
Điều 13 Luật Thủ đô 2012 đã quy định “HĐND thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”. Đại biểu đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, quy định như vậy khá đầy đủ và thành phố có đủ thẩm quyền để thu hút, trọng dụng nhân tài với các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên đồng ý với chính sách hỗ trợ từ ngân sách thành phố đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô.
Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo dự thảo Luật, cho phép áp dụng quỹ lương với tổng mức chi phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
“Tôi đề nghị luật cũng cần quy định làm sao cho phù hợp, chặt chẽ, đảm bảo bám sát lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024 mà Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) vừa thảo luận”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) bày tỏ rất đồng ý với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để TP Hà Nội không bị "chảy máu chất xám".
“Chất xám của TP Hà Nội đi về các tỉnh trong nước mình được nhưng ra nước ngoài thì đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Cho nên tôi thống nhất việc cho cơ chế, chính sách đặc thù để TP Hà Nội được thu hút nhân tài. Nhưng phải có tiêu chí, phải xác định nhân tài đó là ai, tiêu chí nhân tài đó như thế nào”, đại biểu Hòa phân tích.