Cô gái khuyết tật tỏa sáng nghị lực
Vẻ đẹp vầng trăng khuyết - tỏa sáng nghị lực "Hot teen" Hà Nội đạp xe hưởng ứng "Toả sáng nghị lực Việt" |
Nguyễn Phương Thúy năm nay 35 tuổi, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lúc mới sinh, Thúy lành lặn bình thường như bao trẻ em khác nhưng đến năm 12 tuổi, đôi chân của cô bắt đầu sưng và đau. Bố mẹ cô đã đưa con tới bệnh viện khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán Thúy bị khớp và sau một thời gian đôi chân của cô teo dần, yếu đi. Khoảng nửa năm sau khi phát bệnh, đôi chân không thể cử động được nữa.
Nguyễn Phương Thúy là một "cây bút" nổi tiếng với nhiều tác phẩm |
Bệnh tật khiến một đứa trẻ năng động như Thúy lúc ấy phải nghỉ học ở nhà. Cô nằm một chỗ nhiều ngày nên chỉ biết khóc khi mỗi sáng nhìn các bạn tung tăng cắp sách tới trường. Ham đến trường, Thúy đòi bố mẹ cho đi học trở lại dù sức khỏe yếu. Thế rồi, bố mẹ cũng chiều cô con gái kém may mắn. Tuy nhiên, Thúy đến lớp được vài buổi thì chính các thầy, cô giáo đã khuyên nên ở nhà để giữ gìn sức khỏe.
Cô gái tâm sự: “Đến lúc đó mình chỉ khát khao sức khỏe được trở lại bình thường, được như các bạn cắp sách tới trường mỗi buổi sáng”. Dù không thể có sức khỏe bình thường, bị tật nguyền nhưng cô gái nhỏ không đầu hàng số phận. Hằng ngày, cô vẫn miệt mài luyện cầm bút trong đôi bàn tay cứng khớp...
Những nét bút không theo ý mình khiến cô gái bật khóc nhưng với sự quyết tâm không mệt mỏi, Nguyễn Phương Thúy cũng đã thành công. Khi đã cầm bút thành thạo, Thúy viết ra tất cả những điều mình nghĩ, cảm nhận về cuộc sống.
Đồng thời, cô bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà văn. Thúy tập sáng tác và lấy bút danh là Viên Nguyệt Ái. Bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác, Thúy đã được đăng bài trên một số tờ báo. Cô gái khuyết tật tham gia vào nhiều cuộc thi sáng tác và nhận được những giải thưởng ấn tượng.
Cô gái khuyết tật luôn nỗ lực vươn lên |
Từ năm 2015 đến nay, cô gái khuyết tật đã sáng tác nhiều tác phẩm: “Đi qua cơn mưa yêu”; “Bí mật đêm Giáng sinh”; “Có một điều em dấu”; “ Tình trong cõi vô thường”; “Mộng kỳ duyên”…
Không chỉ trở thành một “cây bút”, Nguyễn Phương Thúy trong thời gian hoạt động Đoàn tại địa phương luôn sát sao, gương mẫu đi đầu trong công việc và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Dù bệnh tật nhưng cô gái luôn nỗ lực cố gắng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Đoàn phường giao. Chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc, bản thân cô gái nhỏ trở thành tấm gương lan tỏa, giúp đoàn viên, thanh niên nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi.
Với nhiều đóng góp cho xã hội, tổ chức Đoàn, Nguyễn Phương Thúy được nhận Bằng khen của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân; Giấy khen của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ; Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Được khen trong chương trình Quà tặng cuộc sống của Đài Truyền hình Việt Nam.
Cùng với đó, cô còn nhận được Giấy khen Hội LHTN, Hội LHPN thành phố Việt Trì, Hội Bảo tồn người tàn tật và trẻ mồ côi; Khen thưởng của Câu lạc bộ Thơ Việt Nam; Giấy khen của Câu lạc bộ Thơ tỉnh Phú Thọ…
Tối 28/12 tới đây, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, Công ty TNHH TCPVN phối hợp tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020. Nguyễn Phương Thúy là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu tuyên dương trong chương trình. Đó là 64 câu chuyện đẹp về nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh. Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được T.Ư Hội LHTN Việt Nam phát động từ năm năm 2013. Chương trình nhằm mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” của chương trình đã được lan tỏa đến toàn thể thanh niên Việt Nam, đến từng cơ sở Hội, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người. |