Cô gái tuổi Dần và dự án du lịch thiện nguyện
Nguyễn Huyền Phương
Huyền Phương là 1 trong 16 gương mặt thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu 2017.
Ý tưởng bắt nguồn từ những chuyến đi
Năm 2012, khi đang làm công việc kiểm toán với nhiều áp lực, Huyền Phương quyết định dành thời gian đi phượt để xả stress. Trong chuyến đi đó, Phương mang rất nhiều đồ để tặng các em nhỏ và bà con vùng cao Tây Bắc. Vui vì mình đã làm được việc có ý nghĩa nhưng chỉ một năm sau trở lại mảnh đất ấy, Phương nhận thấy sự đói nghèo, lạc hậu không giảm đi vì những món quà của cô và các đoàn tình nguyện khác trao tặng. "Mình nhận ra rằng, giúp người nghèo không phải chỉ mang con cá mà phải mang cần câu đến cho họ", Phương chia sẻ. Kể từ đó, ý tưởng thành lập dự án du lịch kết hợp với thiện nguyện đã nhen nhóm trong đầu cô gái trẻ.
Năm 2013, cùng với những người bạn của mình, Huyền Phương đã thành lập Tổ chức tình nguyện vì giáo dục (V.E.O). Kể từ đó đến nay, nữ CEO trẻ Huyền Phương đã và đang từng bước đổi mới cũng như mở rộng mạng lưới hoạt động của V.E.O, định hình V.E.O hướng đến mô hình của cộng đồng, vì cộng đồng.
Huyền Phương cho biết: "Du lịch tình nguyện (voluntourism) hay du lịch có trách nhiệm (responsibletourism) là một mô hình không còn mới lạ trên thế giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây mô hình này bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đó là mô hình kết hợp việc đi du lịch và làm tình nguyện. Trong quá trình nghiên cứu và phát triển dự án, mình thấy vấn đề lớn là đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thiếu thốn tài chính, cơ sở vật chất mà còn thiếu về nguồn lực rất nhiều, như nguồn lực làm truyền thông, đào tạo bài bản, dạy nghề... V.E.O đã được thành lập, phát triển sản phẩm dịch vụ của riêng mình nhằm hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng".
Khác với các hoạt động tình nguyện khác, khi tham gia chương trình du lịch tình nguyện, người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định tùy vào mỗi chuyến đi. Trong mỗi chuyến du lịch sẽ có phân nửa là tìm hiểu về bản sắc kết hợp văn hóa của các vùng miền, đa số là ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Không chỉ mang lại cho người tham gia những trải nghiệm mới tại những vùng đất mới mà các hoạt động du lịch tình nguyện còn mang đến những tiềm năng kinh tế mới cho mỗi bản làng mà họ đi qua. Chị Mai Lan Vân – người đồng sáng lập dự án chia sẻ: "Những điểm đến mà mô hình du lịch tình nguyện chọn chủ yếu là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch tuy nhiên người dân ở đó họ lại không biết cách làm sao để phát triển. Vì vậy V.E.O sẽ lên và đạo tạo họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay để họ thấy ngoài việc đi cày ruộng, đánh cá thì vẫn có một cách kiếm tiền mới và có thể phát triển bền vững".
Như vậy không chỉ là mang sách vở, bút mực, quần áo ấm cho các em bé vùng cao các hoạt động du lịch tình nguyện như thế này còn góp phần khai phá ra những vùng đất có tiềm năng về du lịch góp phần thúc đẩy nền kinh tế của những vùng miền còn nhiều khó khăn. Đối với các bạn tình nguyện viên đó không chỉ là trải nghiệm du lịch các bạn còn có thể mang tấm lòng thiện nguyện của mình đi khắp mọi nơi, tìm hiểu văn hóa, phong tục của mọi miền trên Tổ quốc.
- Tình nguyện viên của V.E.O và các em nhỏ vùng cao
Tiếp tục Nam tiến
Huyền Phương cho biết, hiện nguồn tài chính chủ yếu của VEO vẫn là vốn tự có, kinh doanh và qua các chương trình gây quỹ cộng đồng. "Bên cạnh khách hàng là nhiều công ty tập đoàn làm với V.E.O, đối tượng khách hàng của V.E.O hiện tại là các bạn trẻ 18 - 24 tuổi. Có những du khách trên 50 tuổi, các bé 8-10 tuổi cũng đăng ký tham gia. Có khoảng 10% khách hàng là du khách nước ngoài", Huyền Phương thông tin.
Tạo việc làm cho 30 lao động chính thức và thu hút sự tham gia của hơn 500 cộng tác viên, các hoạt động của V.E.O gồm có dạy tiếng Anh cho trẻ vùng cao, trồng rau sạch, xây dựng nhà cửa, hỗ trợ kinh tế khi đưa các chuyên gia đến hướng dẫn cho bà con nông dân trên thôn bản. Cụ thể như trong dự án giáo dục, các bạn du khách - tình nguyện của VEO sẽ dạy tiếng Anh cho các em nhỏ theo giáo trình được Hội đồng Anh và Vietaborad hỗ trợ soạn riêng phù hợp cho vùng cao. Tại Mai Châu, VEO kết hợp đưa các chuyên gia người Nhật về hướng dẫn các chị khuyết tật làm ra thú thổ cẩm để xuất khẩu. Tại Bản Cỏi, VEO xây dựng mô hình homestay để người dân biết cách làm du lịch, tăng thu nhập, đưa Bản Cỏi trở thành một điểm du lịch mới trên bản đồ Việt Nam...
Bắt đầu từ dự án du lịch thiện nguyện đầu tiên tại bản Lác II, Mai Châu, Hòa Bình, năm 2014, V.E.O chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Năm 2016, V.E.O mở rộng hoạt động sang hỗ trợ tổ chức sự kiện và cung cấp tình nguyện viên. Đến nay, V.E.O đã mở thêm được các dự án du lịch thiện nguyện tại Bản Cỏi (Phú Thọ), Sa Pa, Thác Bà (Yên Bái), Hà Thành (Hà Giang), biển Quy Nhơn. Đồng thời, đã triển khai được 20 hộ homestay; 4 dự án cộng đồng được hoàn thiện; xây điểm trường Huổi Lốt (Mường Mùn, Điện Biên). 70% lợi nhuận hàng năm được V.E.O tái đầu tư cho các dự án, chương trình cộng đồng do mình xây dựng tại các địa phương/điểm du lịch.
Chia sẻ về những hướng đi mới trong năm 2018, CEO trẻ Nguyễn Huyền Phương cho biết: "Bắt đầu từ năm 2017, dự án đã lên kế hoạch cho công cuộc Nam tiến và năm 2018, chúng mình sẽ chính thức triển khai mô hình đến một số tỉnh miền Trung và miền Nam. Với mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững, mình hy vọng từ những chuyến du lịch vì cộng đồng, sẽ có nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn có được "chiếc cần câu" chứ không chỉ "con cá"".