Cô giáo Sa Rôn dạy tiếng Khmer bằng phương pháp mới
Cô giáo Sa Rôn dạy tiếng Khmer cho học sinh
Bài liên quan
Thủ tướng thăm, chúc Tết Học viện Phật giáo Nam tông Khmer
Yêu nghề, sáng tạo
Từ nhỏ, cô Sa Rôn được bố đưa vào chùa để học chữ Khmer. Ông đã truyền cho cô ngọn lửa đam mê được đứng trên bục giảng và khơi gợi trong tâm hồn cô gái trẻ khi ấy một tình yêu mãnh liệt với tiếng Khmer - ngôn ngữ nói của chính người dân địa phương nơi cô sinh ra, lớn lên.
Cũng từ đó, cô Sa Rôn Sau bắt đầu nuôi dưỡng ước mơ được dạy ngôn ngữ, chữ viết cho con em dân tộc mình, mong muốn tất cả người Khmer đều biết đọc, biết viết tiếng dân tộc.
Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô quyết tâm chinh phục mục tiêu trở thành giáo viên để mang kiến thức đến cho các em học sinh dân tộc. Học xong lớp 12, Sa Rôn thi vào trường Cao đẳng Sóc Trăng, chuyên ngành Sư phạm Song ngữ. Tốt nghiệp ra trường, cô được nhận công tác tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cần Thơ.
Hàng ngày, với chiếc xe đạp thô sơ, cô giáo Sa Rôn không quản khó khăn nhọc nhằn, đạp xe đến trường giảng dạy. Những ngày trời mưa to, gió lớn, cô phải cuốc bộ chừng 5 cây số. Cô giáo Sa Rôn bộc bạch: “Đã có đôi lần nghĩ đến việc ngừng công tác bởi quá vất vả nhưng vì học sinh thân yêu, tôi ở lại. Những tiết học “ê, a” tiếng Khmer, nụ cười dễ thương của các em là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày”.
Bên cạnh đó, cô Sa Rôn luôn nặng tình với bạn bè đồng nghiệp ở trường. “Cái tình, cái nghĩa trong môi trường sư phạm này không thể nào đong đo được hết. Tôi dặn lòng dù có khó khăn đến mấy, cũng không được bỏ cuộc, không được từ bỏ bục giảng, viên phấn và hơn hết là không bỏ rơi các em học sinh đồng bào của mình” , cô Sa Rôn bộc bạch.
Cô giáo Sa Rôn dạy tiếng Khmer cho học sinh |
Khi cảm thấy lo lắng vì trình độ tiếng Khmer của các em trong một lớp khác nhau, cùng thời điểm đó, cô cũng không biết phải dạy theo chương trình hay phương pháp gì cho phù hợp. Sau nhiều suy nghĩ, trăn trở, cô quyết định thay đổi phương pháp dạy tiếng Khmer bằng cách “Vui để học”.
Dù đi đâu, làm gì cũng hướng về tiếng Khmer
Hằng ngày, cô thiết kế bài giảng thật sinh động. Cô Sa Rôn hướng dẫn các em học tiếng Khmer qua trò chơi, đố vui, cho các em thi đua giữa các nhóm, tổ với nhau. Tiết học của cô luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, các em được tự do trao đổi cùng các bạn,, từ đó kiến thức dễ dàng dung nạp vào trí nhớ của các em.
Cô còn là giáo viên mạnh dạn vay hơn 20 triệu đồng, để mua máy tính cho trường, lặn lội xuống tỉnh Sóc Trăng nhờ người am hiểu cài đặt font chữ Khmer vào máy tính. Bằng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cô bắt đầu làm quen, soạn giáo án điện tử, thiết kế bài giảng bằng máy tính. Các đồng nghiệp cũng hiểu hơn về giá trị của công nghệ và biết ứng dụng nhiều vào trong công tác giảng dạy.
Với tình yêu thương học sinh vô bờ, khối óc sáng tạo, nhạy bén, năm 2015, cô lên kế hoạch và đề xuất triển khai Cuộc thi Hùng biện tiếng Khmer khu vực Đông bằng Sông Cửu Long. Từ đó, học sinh dân tộc Khmer ở trường khắp các tỉnh, huyện đều đăng ký tham gia rất tích cực. Cuộc thi cũng được nhân rộng, làm rạng danh tiếng nói của dân tộc Khmer.
Với cương vị là Phó hiệu trưởng nhà trường, sau hơn 20 năm công tác và gắn bó, cô chứng kiến nhiều giáo viên trẻ từ nơi khác về thấy khó khăn quá nên lại xin nghỉ việc. Còn học trò có hoàn cảnh cực khổ quá cũng bỏ học theo gia đình mưu sinh. Những lúc ấy, bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình, cô bộc bạch tâm sự, động viên đồng nghiệp và các em học sinh tiếp tục theo đuổi con chữ, sách vở và ở lại với trường lớp.
Cô giáo Sa Rôn trải lòng: “Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng kì vọng của Ban lãnh đạo, đặc biệt là niềm tin tưởng của phụ huynh, các em học sinh thân yêu, đồng nghiệp thân mến. Tôi sẽ luôn “bám trụ” với nghề sư phạm mà bản thân từng ấp ủ từ lúc bé thơ. Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng hướng về tiếng Khmer – tiếng nói thiêng liêng của dân tộc”.