Cơ hội đánh giá "chữ tín" của các Bộ trưởng, trưởng ngành
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nắm chắc vấn đề, sâu sát thực tiễn Các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn thẳng thắn, không vòng vo |
Nhận diện những yếu kém, thiếu sót
Chia sẻ quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ hy vọng qua phiên chất vấn lần này, chúng ta sẽ có cái nhìn, sự đánh giá toàn diện về sự nỗ lực của các bộ, ngành, thành viên Chính phủ, trưởng ngành cũng như việc thực hiện lời hứa, cam kết của họ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo đại biểu Nga, điều quan trọng nhất là phiên chất vấn sẽ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, nhận diện những yếu kém, thiếu sót... để đề ra giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Nữ đại biểu cho rằng, phiên chất vấn cũng là cơ hội "lửa thử vàng" để thấy rõ tâm huyết, trách nhiệm, tài năng và bản lĩnh của các thành viên Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) |
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, chất vấn thực chất là để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, nhất là Bộ trưởng, trưởng ngành với những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực quản lý và kiến nghị giải pháp tháo gỡ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, phiên chất vấn nhằm đánh giá việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời là cơ sở để đánh giá, đo lường “chữ tín về lời hứa” và đáp lại niềm tin, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước.
Qua đó, chất vấn để đi đến tận cùng gốc rễ của các vấn đề đã giám sát, chất vấn, tránh tình trạng “hứa suông”, giải quyết không đến nơi, đến chốn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá năng lực, hiệu quả tổ chức thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tư lệnh ngành trên tất cả các lĩnh vực.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân tin tưởng, phiên chất vấn sẽ diễn ra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội; giúp cho Quốc hội, Chính phủ đề ra được các giải pháp đồng bộ, thiết thực để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội phải chất vấn đúng tầm
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm, Quốc hội là nơi bàn về các chính sách quốc gia. Do đó, nội dung chất vấn của đại biểu không nên là những vấn đề vụn vặt mà phải tập trung vào những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước.
Theo ông Vân, nếu lấy một vụ việc ra chất vấn thì chưa hẳn các đại biểu khác muốn nghe vì vừa mất thời gian mà chưa hẳn các trưởng ngành đó nắm hết được.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) |
Vì vậy, ông Vân cho rằng, đại biểu Quốc hội phải chất vấn đúng tầm, tức là phải làm rõ trách nhiệm thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ trưởng, trưởng ngành.
“Tại sao chức năng, nhiệm vụ như thế mà anh không làm, điều kiện không khác gì người khác tại sao anh không làm được. Hoặc xảy ra hậu quả xấu mà anh lại đổ lỗi cho người khác, đó là vấn đề đại biểu Quốc hội cần chất vấn tới nơi tới chốn”, đại biểu Lê Thanh Vân gợi ý.
Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, qua theo dõi nhiều cuộc chất vấn, sau nhiều lời hứa “kiên quyết xử lý dứt điểm”, “đã có kế hoạch, nhất định sẽ làm và nhanh chóng tháo gỡ…” nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn bị gây khó khăn, sách nhiễu.
Cùng với đó, những vấn đề quốc kế dân sinh chưa được quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng vẫn diễn ra như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân.
Theo đại biểu Thúy, không phải lời hứa nào cũng có thể làm trọn vẹn, thực hiện được trong một sớm, một chiều nhưng người dân và cử tri cả nước có quyền được biết về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và lộ trình, giải pháp cụ thể giải quyết từng nhóm vấn đề cho đến khi có kết quả cuối cùng.
"Mọi thứ cần phải được công khai, minh bạch dưới sự giám sát đánh giá không chỉ của cơ quan chuyên môn mà là của toàn dân", đại biểu Ma Thị Thúy chia sẻ.