Cơ hội để du lịch Việt Nam “cất cánh”
Ra mắt lễ hội WonderFest - điểm nhấn mới cho du lịch Việt Nam Phát triển du lịch Việt Nam: Di sản và thiên nhiên đã không còn đủ |
Hội nghị là hoạt động đầu tiên, cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành du lịch Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023). Hội nghị có sự tham dự của 200 đại biểu là đại diện các Sở quản lý du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương và hằng trăm doanh nghiệp du lịch trên cả nước cùng 22 đầu cầu trực tuyến ở các địa phương.
Khách du lịch nước ngoài du ngoạn phố cổ Hà Nội bằng xe xích lô |
Sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện là phương châm của kế hoạch hành động.
8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch hành động bao quát các vấn đề nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam dựa trên sở thích của khách du lịch thay đổi sau COVID-19. Nhóm sản phẩm được ưu tiên tập trung khai thác là du lịch sự kiện, hội nghị hội thảo, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, chăm sóc sức khỏe; Tập trung xây dựng và phát triển ẩm thực Việt Nam thành sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu. Đây là những loại hình du lịch mang lại nguồn thu lớn cho du lịch Việt Nam bởi tính đẳng cấp trong sản phẩm và dịch vụ.
Khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) |
Ngoài việc đẩy mạnh phục hồi các thị trường chủ lực truyền thống, các doanh nghiệp cần mở rộng đầu tư các thị trường tiềm năng mới như Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Đông, Úc, New Zealand. Trong 3 năm trở lại đây có sự ghi nhận sự chuyển dịch của dòng khách này đến Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Để khai thác hiệu quả thị trường khách nội địa với hơn 100 triệu dân, các doanh nghiệp cần thành lập các tổ nghiên cứu sở thích của khách nội địa theo vùng miền, độ tuổi để xây dựng và triển khai các sản phẩm phù hợp. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần công bố sức chứa của các điểm du lịch để thu hút có giới hạn khách đến tham quan, tránh tình trạng quá tải ở một số nơi trong thời gian nghỉ dài ngày gần đây. Việc này không những đảm bảo đón, phục vụ khách có trật tự mà còn tránh tâm lý du lịch ăn xổi, ngắn hạn.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận: “Ngày nay, khách du lịch họ trân trọng thời gian, cuộc sống nên họ đòi hỏi phải có dịch vụ tốt nhất. Đó là điều chúng ta còn yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay cần nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm phù hợp nhất”.
Những nhận diện về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, yếu tố địa chính trị đang gây ra những tác động nặng nề đến sự phát triển của du lịch. Dựa trên kế hoạch tổng của ngành, mỗi doanh nghiệp du lịch cần lên kế hoạch hành động của riêng mình để thích ứng, linh hoạt và tìm ra cách thức hành động hiệu quả trong bối cảnh mới.
Việc thống nhất tư duy, hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương tạo sức mạnh liên kết trong xây dựng và tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra cho ngành Du lịch.
Đến nay, tổng số hội viên chính thức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tổ chức thành viên là hơn 18.000 doanh nghiệp. Số hội viên cá nhân gần 20.000 người và hàng trăm hội viên liên kết là các tổ chức, cá nhân thuộc các lĩnh vực, ngành nghề có liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Bà Cao Thị Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang tập trung xây dựng và hoàn thiện tiêu chí của các ngành nghề cơ bản và sẽ tổ chức các cuộc thi để làm sao có thể cấp chứng chỉ cho nguồn nhân lực du lịch theo từng mảng, ví dụ như hướng dẫn viên, đầu bếp, quản lý, bồi bàn…”.
Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng của Chính phủ và đất nước đối với ngành Du lịch không chỉ dừng lại ở con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay. Việc triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ, nếu làm tốt sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp không khói tăng trưởng mạnh ngay trong mùa cao điểm du lịch quốc tế năm nay.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua dự thảo Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi với chính sách rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai xin cấp visa điện tử cũng như thời hạn lưu trú của khách nước ngoài ở Việt Nam. Khi nút thắt này đã được tháo gỡ, đòi hỏi cộng đồng những người làm du lịch nhạy bén, triển khai ngay những kế hoạch, hành động của riêng mình để chính sách có thể phát huy tác dụng.
Các doanh nghiệp du lịch đặt nhiều kỳ vọng với đòn bẩy về chính sách thị thực này. Ngành Du lịch sẽ thu hút đông đảo du khách quốc tế, nhất là thị trường cao cấp. Chính sách thị thực mới cũng sẽ mở đường băng cho rất nhiều luồng khách mới, đặc biệt là những luồng khách chủ động, khách gia đình, khách đi nhỏ lẻ và cả những dòng khách hưu trí muốn lưu lại ở Việt Nam dài ngày.
Các chuyên gia du lịch cần thực hiện việc khảo sát tuyến điểm, thiết kế sản phẩm tour liên quốc gia, từ Việt Nam đến các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia để thu hút khách. Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình xúc tiến, gặp gỡ, đàm phán với các đối tác quốc tế mới, chào bán các sản phẩm du lịch mới dựa trên các tiêu chí và quy định của chính sách thị thực thông thoáng mở rộng.
Công bố mới đây của Tổng cục Du lịch cho thấy, về mức độ phục hồi so với trước dịch, 5 thị trường đã vượt mức 6 tháng đầu năm 2019 là Campuchia, Ấn Độ, Lào, Thái Lan và Singapore. Hai thị trường phục hồi gần về mức năm 2019 là Mỹ và Úc. Một số thị trường khác cũng phục hồi ở mức cao là Hàn Quốc, Anh và Đức. Hiện Việt Nam đang vào mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế nên đây là cơ hội để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị chương trình, kế hoạch, gói sản phẩm để kéo dài thời gian lưu trú và lựa chọn của du khách quốc tế.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu những chính sách thị thực mới thông qua các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.