Cơ hội lớn cho khối tư nhân phát triển năng lượng
Ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế
Mở đầu Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam - triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sáng 22/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam |
“Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 và 15 năm thực hiện Kết luận 26, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng đề án tổng kết để ban hành một nghị quyết mới phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Qua tổng kết cho thấy, trong thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng, đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Tuy vậy, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp.
Đồng thời, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; Độc quyền Nhà nước còn cao; Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển điện năng và kiểm soát sự phát triển đúng hướng, hiệu quả bên vững.
Theo Phó Thủ tướng, tại Việt Nam, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới chuyển tải điện, tương đương khoảng 7-10 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về chính sách, các quy định liên quan đến công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng trong huy động nguồn lực phát triển năng lượng
Sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế; Tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo các định hướng và giải pháp đề ra trong Nghị quyết vào thực tiễn, một số địa phương và doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và kịp thời xử lý, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để phát triển năng lượng; việc xây dựng, bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện, nhất là các nguồn điện tái tạo được chú trọng và nâng cao hiệu quả.
Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam |
Để thực hiện Nghị quyết 55, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo là hoàn thiện thể chế.
“Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ rất quan trọng trong huy động nguồn lực phát triển năng lượng. Từ nay đến 2025 mỗi năm Việt Nam cần tăng 5.000MW công suất điện nguồn, theo đó mỗi năm Việt Nam cần xấp xỉ 7-10 tỷ USD để phát triển nguồn điện, chưa kể nguồn vốn để phát triển hệ thống truyền tải do đó cần cơ chế chính sách để huy động nguồn lực. Theo đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm phải sửa Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và và có thể xây dựng Luật Năng lượng tái tạo mới”, Phó Thủ tướng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn khẳng định nghị quyết này đã "cởi trói", tạo chiếc áo mới cho năng lượng Việt Nam.
“Nghị quyết 55 đã mở ra những cánh cửa mới, cho phép chúng ta tin tưởng vào một chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, để định hướng phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài; Thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có tiềm năng về nghiên cứu và phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; Tranh thủ hợp tác nâng cao năng lực và tiềm lực khoa học công nghệ đối với cán bộ và tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.