Có một Hà Nội nghĩa tình
Tri ân và lòng biết ơn
Có thể nói, cho đến lúc này, chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã để lại những hình ảnh, dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân TP Hồ Chí Minh và cả du khách trong, ngoài nước.
Bên cạnh một đêm khai mạc mãn nhãn, ấn tượng, đặc sắc, giàu cảm xúc, còn có loạt sự kiện hấp dẫn đã và đang diễn ra như: Trưng bày giới thiệu về di tích Hoàng thành Thăng Long; triển lãm tranh, ảnh về Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; giới thiệu tinh hoa đạo học Việt Nam; triển lãm ảnh 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại khu vực mô hình cầu Long Biên; hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; quảng bá và giới thiệu ẩm thực Hà Nội...
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình“Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” tối 23/8 |
Song song các hoạt động đậm chất văn hóa người Hà Nội, còn có các hoạt động đầy tính nhân văn, thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân. Cụ thể như đoàn lãnh đạo TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, trao quà cho 70 gia đình chính sách, người có công; đặc biệt trong đó có hai Mẹ Việt Nam anh hùng (mẹ Nguyễn Thị Hữu Tài và mẹ Võ Thị Tuội). Mỗi phần gồm 5 triệu đồng và quà trị giá 1 triệu đồng.
Đây là những gia đình, những người đã đóng góp xương máu trong công cuộc giải phóng Thủ đô, giải phóng dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh giàu đẹp như hôm nay.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cùng đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh tặng quà cho 2 Mẹ Việt Nam anh hùng |
Như lời đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt: “Hoạt động này nhằm thể hiện tình cảm, tấm lòng, sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đối với người có công tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh, đó là các Mẹ Việt Nam anh hùng, các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các thân nhân liệt sĩ...
Đặc biệt trong số 70 người có công tiêu biểu gặp mặt hôm nay có 9 bác đã trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô và còn nhiều tấm gương người có công tiêu biểu khác nữa, rất đáng trân trọng và biết ơn…”.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh trao quà tri ân cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài |
Đối với những người có công nhưng không đến dự buổi gặp mặt được, lãnh đạo TP Hà Nội đã đến tận nhà ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe và trao quà tri ân (Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Như Thiện 93 tuổi tại nhà cụ) |
Chăm lo thế hệ tương lai
Bên cạnh những hoạt động sôi nổi, đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực… cũng trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, Thành đoàn TP Hà Nội phối hợp Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Giai điệu trẻ” giữa tuổi trẻ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện này, Thành đoàn TP Hà Nội cùng Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trao 30 suất học bổng (mỗi suất 3 triệu đồng tiền mặt) cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các em là những người dù sinh ra trong nghịch cảnh, hay mang trong mình mỗi số phận éo le riêng, thế nhưng vẫn không từ bỏ ước mơ, hoài bảo. Các em đã kiên cường vươn lên, bằng nghị lực, ý chí, cùng sự động viên, sẻ chia từ xã hội bởi nghĩa đồng bào, truyền thống tương thân tương ái, phát huy đạo học.
Đó là V.T, sinh viên trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Bố mất khi em vừa tròn 7 tuổi, mẹ bỏ đi biệt tăm. Em được ông bà nội nuôi dưỡng. Ông bà tuổi gần 70, đều mắc bệnh tim, cao huyết áp, không làm được việc nặng nhọc. Thu nhập chính của gia đình là làm nông…
Đó là N.S, sinh viên trường Cao đẳng Y dược Sài Gòn. Ba mất từ khi em lên 9 tuổi. Mẹ là trụ cột chính của gia đình, phải đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền nuôi 3 con ăn học và bà nội bị mù. Em tâm sự: “Có đôi lúc cũng muốn nghỉ học để đi làm vì thấy mẹ quá khổ nhưng mẹ không cho. Mẹ nói chỉ có con đường học tập mới giúp cho gia đình em thoát khỏi kiếp nông dân nghèo như mẹ được”.
Ngoài giờ học, N.S cũng đi làm bán thời gian và dạy kèm để kiếm tiền phụ mẹ.
Hay như B.C, học sinh trường THCS Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hiện đang ở với bà ngoại đi nhặt ve chai và người cậu chạy xe ôm hàng ngày kiếm sống.
Những học sinh, sinh viên nhận học bổng dịp này có những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập và cuộc sống (Trong ảnh: Đồng chí Chu Hồng Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội và đồng chí Nguyễn Mạnh Hưng - Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên) |
Em N.L, sinh viên trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh có ba bị tâm thần phân liệt. Người chị của em lại bị khù khờ. Mẹ em chỉ có thể bán tạp hoá tại nhà với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng để lo cho cả gia đình.
Em K.D, học sinh trường THCS Quang Trung, Gò Vấp. Em mồ côi cha từ nhỏ, mẹ bị câm bẩm sinh, hiện lại bị suy thận, mỗi tuần phải chạy thận đến 3 lần.
Hay K.O, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Vì nhà nghèo, lo cho ba mẹ nên đôi khi khiến em có chút chùn bước. Nhưng rồi bằng nghị lực và niềm tin thay đổi tương lai, em vẫn vươn lên học tốt. Hiện ngoài thời gian đi học, em đi làm bán thời gian với thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng/tháng để phụ giúp gia đình.
Hay như tâm thư xúc động dưới đây của P.A, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: “Trước đây, tôi có một gia đình hạnh phúc, có đủ cả ba lẫn mẹ. Nhưng có lẽ ông trời đang cho tôi một thử thách mà không ai mong muốn gặp phải - đó là mất đi người ba thân yêu nhất.
Tôi vẫn nhớ Tết 2016, cả nhà vẫn còn vui vẻ đón giao thừa cùng nhau. Ấy vậy mà về Hè, sức khỏe ba lại giảm xuống. Khi đi khám mới sửng sốt phát hiện ba bị ung thư dạ dày và đã ở giai đoạn cuối.
Khi biết được tin, tôi không tin ba mình lại mắc phải căn bệnh quái ác đó.
Những ngày tháng sau, ba và mẹ cứ mãi ở bệnh viện. Tôi chỉ có thể nghe được giọng nói của ba đang yếu ớt từng ngày. Và rồi hơn 2 tháng sau đó… ba tôi đã ra đi mãi mãi.
Một cô bé vừa hết lên lớp 9, một cậu bé chập chững vào lớp 1 đã phải mồ côi cha. Cú sốc này thực sự là một đả kích rất lớn không chỉ riêng tôi mà với cả gia đình, nhất là mẹ tôi…
Vốn dĩ cuộc sống đã rất khó khăn lại cộng thêm đại dịch COVID-19 ập đến càng làm mọi thứ tối tăm hơn. Trong thời gian cách ly phòng chống đại dịch, cả tôi và mẹ đều không thể đi làm, nguồn thu nhập của gia đình cũng bị cắt đứt. Mẹ tôi phải đi mượn tiền của họ hàng và bạn bè để trang trải.
Mỗi ngày, chúng tôi phải suy nghĩ hôm nay ăn gì để tiết kiệm nhất? Và mì gói luôn là lựa chọn tốt nhất của hai chị em tôi.
Trước dịch, mẹ làm thuê với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Em trai đang học THCS, còn tôi mỗi ngày vẫn đi xe buýt đến trường với ước mơ thay đổi số phận - số phận không chỉ cho riêng tôi mà cho cả mẹ, đứa em và cho gia đình nhỏ bé này…”.
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng trao học bổng cho các học sinh tại chương trình "Giai điệu trẻ" |
Có thể thấy, đâu đó trong cuộc đời này, những nghịch cảnh, những mảnh đời bất hạnh vẫn từng ngày âm thầm mạnh mẽ vươn lên. Từ trong vô vàn gian khó, từ trong bóng tối số phận, những tia sáng niềm tin, hy vọng và ý chí sắt đá đang kéo các em vững bước tiến về phía trước. Để con đường dẫn đến một ngày mai tươi sáng hơn, cần lắm những tấm lòng...
Thành đoàn TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã và đang làm những điều đó.