Cổ phiếu VietABank tăng kịch trần trong ngày đầu lên sàn UPCoM
VietABank “ôm” khối nợ xấu tăng đột biến lên sàn UPCoM Lùm xùm khách hàng bốc hơi trăm tỷ tiền gửi, VietABank kinh doanh lao dốc |
Ngày 20/7, cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã chính thức giao dịch trên sàn UPCoM.
Ngay khi mở phiên sáng, giá cổ phiếu VAB đã tăng trần lên mức 18.900 đồng/cổ phiếu và duy trì đến hết phiên giao dịch đầu tiên.
Khối lượng giao dịch trong ngày đạt gần 1,5 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch tương ứng hơn 26,4 tỷ đồng.
Trước đó, VietABank đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận niêm yết 445 triệu cổ phiếu VAB lên sàn UPCOM.
Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa khi chào sàn của VietABank đạt hơn 6.000 tỷ đồng tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) |
Theo tìm hiểu, VietABank được thành lập tháng 5/2003 dựa trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng là Công ty Tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Nông thôn Đà Nẵng, với số vốn điều lệ ban đầu gần 76 tỷ đồng.
Từ khi hoạt động đến nay, VietABank đã có 18 lần tăng vốn điều lệ từ mức gần 76 tỷ đồng lên gần 4.450 tỷ đồng bằng các hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho cổ đông chiến lược, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, trái phiếu chuyển đổi.
Với số vốn điều lệ gần 4.450 tỷ đồng, cổ đông lớn hiện đang sở hữu 12,21% vốn của VietABank là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) của ông Phương Hữu Việt.
Bên cạnh đó, VietABank còn có một cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Rạng Đông (sở hữu 7,35% vốn điều lệ), đây là một tập đoàn đa ngành được đánh giá là lớn nhất tại Bình Thuận.
Trước đây, VietABank khi công bố báo cáo tài chính thường sẽ không có phần thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên, khi trở thành doanh nghiệp đại chúng thì việc này là bắt buộc nên trong báo cáo tài chính năm 2020 đã lần đầu được thuyết minh rõ ràng.
Theo đó, năm 2020, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 407,4 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2019.
Tại thời điểm cuối tháng 12/2020, dư nợ cho vay khách hàng của VietABank đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với đầu năm; số dư tiền gửi của khách hàng đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8% so với cuối năm 2019. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của VietABank đạt 86,5 nghìn tỷ đồng
Về chất lượng nợ vay, tại ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của VietABank ở mức 1.111 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng hơn 10 lần từ mức 46,6 tỷ đồng lên 507,1 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn tăng 71,6%, từ mức 86,5 tỷ đồng lên 148,5 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 22,7% lên 456,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,18% lên 2,29%.
Đáng chú ý trong thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, VietABank phát sinh các khoản phải thu liên quan đến hoạt động mua bán nợ có tổng giá trị 1.571,8 tỷ đồng được ghi nhận trong khoản mục “tài sản có khác” trên báo cáo tài chính.
Cụ thể, khoản phải thu với Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ LT liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bảo Ngọc Quỳnh Trang và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HPA Việt Nam với tổng giá trị 492,1 tỷ đồng; khoản phải thu với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Năng lượng mới Việt Nam liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty TNHH Quản lý và Phát triển Năng lượng WSW (436,7 tỷ đồng) và Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Hoàng Hiệp Thăng Long (593 tỷ đồng); khoản phải thu với cá nhân Nguyễn Trọng Minh liên quan đến hợp đồng mua bán nợ của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Lợi với giá trị 50 tỷ đồng.