“Cơn sóng ngầm” gây nghiện đối với học sinh
Nghiện thuốc lá nhiều năm, cụ ông nhập viện Nghiện thuốc lá hơn 40 năm, bị ung thư phải cắt toàn bộ phổi trái |
Thói quen nguy hiểm
Ghi nhận tại một quán nước ở ngõ 12, Phố Núi Trúc (ngay sau trường THPT Nguyễn Trãi), dù ngay gần trường có thể bị thầy cô, bạn bè phát hiện nhưng nhóm học sinh mặc đồng phục trường THPT Nguyễn Trãi vẫn thản nhiên đặt những chiếc vape lên bàn, chuyền tay nhau và “thưởng thức”.
Mỗi lần hít vào rồi nhả ra, những gương mặt trẻ con ấy hiện rõ nét “phiêu” trong làn khói mù mịt. Sau khi hút, nhóm học sinh không ngừng bàn tán về các hương vị và mức độ khói, trao đổi với nhau như đang chia sẻ một “bí kíp” mà chỉ những người am hiểu mới biết. Cách các em nói chuyện đầy “tự hào” về chất “chơi” này như khẳng định “đẳng cấp” của mình.
Cảnh tượng này không chỉ diễn ra ở các quán nước mà còn khá phổ biến quanh nhiều cổng trường THPT vào giờ tan học. Khi được hỏi, nhiều học sinh chia sẻ, ban đầu cũng chỉ là thấy cậu bạn hút thuốc trông “ngầu” nên thử xem sao. Tuy nhiên, sau vài lần thử lại thấy thích và từ đó nếu không hút lại cảm thấy nhạt nhẽo, khó chịu.
Bạn trẻ hút thuốc lá điện tử |
Có thể thấy, những chiếc vape với thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo bên người, đã trở thành "phụ kiện" thời trang của không ít học sinh. Các bạn trẻ bị cuốn hút bởi mùi hương ngọt ngào và những màn khói bốc lên trong không khí, mà không ý thức được rằng đằng sau đó là những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe.
Anh Nguyễn Đình Thi đang có con học lớp 12 ở quận Long Biên chia sẻ: “Thuốc là điện tử cũng là một chất gây nghiện có hại cho sức khoẻ nhưng không hiểu sao lại được bán tràn lan khắp nơi, đặc biệt là trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta đều nhìn thấy hình ảnh rất xấu là thuốc lá điện tử bán khắp nơi trên thị trường, học sinh phì phèo nhả khói khi hút vape nhưng lại không có hình thức xử lý nghiêm khắc, thì mặc nhiên các em sẽ coi đó là thói quen và dần dần chấp nhận điều này”.
Theo anh Thi, điều dễ nhận thấy là trên các trang mạng xã hội, thuốc lá điện tử được quảng cáo và bán công khai, từ loại vape và tinh dầu đắt tiền nhập khẩu hàng triệu đồng, đến những mặt hàng phục vụ học sinh chỉ có hơn 100 nghìn đồng. Đa số học sinh vì ít tiền nên chỉ dùng những mặt hàng rẻ, vì thế mối nguy hiểm đến sức khoẻ càng đáng lo ngại.
Hút thuốc lá điện tử: Nhập viện vì ngộ độc, tổn thương phổi…
Tại khu vực phía trước cổng trường THPT Trần Quang Khải, ngõ 1227 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh bạn trẻ ở độ tuổi học sinh hút thuốc. Trên đường phố, các quán nước ở vỉa hè, chúng ta không khó để nhìn thấy những bạn trẻ nam, kể cả nữ ở độ tuổi học trò, cầm trên tay thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử và cả thuốc lào để hút và thản nhiên nhả khói ra môi trường.
Tình trạng trộn lẫn ma túy vào thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023 có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, 73 người bị xử lý về hành vi này. |
Ths. DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa thông tin, theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023); sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ 15 - 24 tuổi với tỷ lệ 7,3%.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Ths. DS Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thông tin về tỷ lệ học sinh hút thuốc lá điện tử |
Nghiên cứu mới của trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy, trong giai đoạn tháng 10 - 12/2023, trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.
Ths. DS Nguyễn Hữu Tú cho biết, mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.
Trước những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe, nhất là đối với thế hệ trẻ, Ths. DS Nguyễn Hữu Tú cho biết, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam kiến nghị cần kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: Cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Điều này sẽ tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một Nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. "Nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra được việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe Nhân dân" - Bộ trưởng khẳng định. |