Công nhân Thủ đô sôi nổi khí thế làm việc đầu năm
Công nhân Thủ đô: Vững chính trị, giỏi nghề nghiệp, đẹp về văn hóa Hà Nội đón công nhân trở lại làm việc sau nghỉ Tết Chủ tịch nước kiểm tra, động viên công nhân thi công Vành đai 4 |
Hăng hái trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công nhân, người lao động đã trở lại làm việc. Tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, khí thế sản xuất đầu xuân vô cùng sôi nổi. Tất cả đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu...
Công nhân Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn (thị trấn Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ) hăng hái tham gia làm việc trong ngày đầu Xuân |
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn, năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, song việc làm, thu nhập, đời sống của CNLĐ ngành Dệt - May Hà Nội vẫn được duy trì ổn định, từng bước cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân người lao động đạt 6.900.000 đồng/người/tháng. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Công đoàn ngành và các Công đoàn cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo chu đáo cho đoàn viên, người lao động như: Tặng quà, trao trợ cấp, hỗ trợ vé xe, tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết… Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, đã có 46/62 (70,96%) đơn vị, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, tỉ lệ CNLĐ trở lại làm việc đạt 91,29%.
Đơn cử, tại Công ty cổ phần Halas Việt Nam, lãnh đạo công ty cho biết, năm 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn luôn phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động; đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn…
Với đặc thù của ngành dịch vụ chuyên về giặt là, người lao động trong Công ty phải làm việc xuyên Tết, Ban lãnh đạo và Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã phối hợp lập kế hoạch, chia ca kíp, chăm lo, động viên, chi lương, thưởng, bồi dưỡng kịp thời. Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, trên 90% người lao động đã có mặt tại vị trí sản xuất, trừ một số người lao động thuộc bộ phận giao nhận, vận chuyển đang làm việc phân tán.
Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ và nội thất Ngọc Sơn (thị trấn Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ) có 133 công nhân đều đi làm đầy đủ. Tại các đơn vị khác như Tổng công ty May 10, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát, không khí lao động, sản xuất nhộn nhịp cũng tràn ngập các phân xưởng...
Đồng chí Trần Sỹ Thanh thăm hỏi nhân viên Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội |
Theo báo cáo nhanh của các cấp Công đoàn Thủ đô, tính đến 9h ngày 15/2/2024 (tức ngày 6 Tết), có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc (số công nhân lao động). Số công nhân lao động trở lại làm việc tiếp tục tăng từ thứ 2, ngày 19/2/2024 (tức ngày 10 Tết) khi các doanh nghiệp sản xuất trở lại.
Quan tâm chăm lo đầy đủ giúp người lao động yên tâm gắn bó
Sự quan tâm chăm lo đầy đủ, chu đáo của doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành thành phố trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã giúp cho công nhân lao động (CNLĐ) an tâm, phấn khởi, gắn bó hơn với doanh nghiệp và trở lại làm việc đầy đủ ngay sau kỳ nghỉ Tết với tinh thần hăng hái, sôi nổi.
Ông Trần Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Thăng Long TALIMEX cho biết, công ty hiện có 250 lao động, trong đó có 195 đoàn viên Công đoàn.
Năm 2023, do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine nên sức tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng trong đó có mặt hàng may mặc trên thế giới cũng như trong nước yếu, làm ảnh hưởng đến sản lượng của mỗi mã hàng giảm, đơn giá gia công giảm 20%. CNLĐ có lúc phải nghỉ việc luân phiên, nghỉ giãn cách. Bên cạnh đó, giá các nguyên, nhiên, phục liệu tăng làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của công nhân lao động, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của công ty.
Mặc dù vậy, với sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Giám đốc; sự đồng hành, phối hợp, chia sẻ của Ban Chấp hành Công doàn, đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Người lao động được đảm bảo đủ việc làm, thu nhập bình quân đạt mức 8,8 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh động viên cán bộ, công nhân viên Công ty Hanwha Aero Engines |
Đáng chú ý, Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty luôn phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động. Các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, 100% người lao động được ký hợp đồng, tham gia bảo hiểm xã hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được Công đoàn duy trì tổ chức tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Ban Giám đốc phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn đã khắc phục mọi khó khăn, xây dựng kế hoạch chi lương, thưởng Tết, công khai sớm cho người lao động, đảm bảo 100% người lao động đều có Tết. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán, mỗi CNLĐ đều được các phần thưởng gồm: thưởng chuyên cần, thưởng thâm niên, tháng lương thứ 13, được nhận quà Tết. Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cũng đã tổ chức “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”, tạo không khí Tết ấm áp, vui tươi cho đoàn viên, người lao động.
“Có thể nói, với sự quan tâm chăm lo của Ban Giám đốc và Công đoàn, đoàn viên, người lao động trong công ty rất an tâm, phấn khởi. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết (15/2, tức mùng 6 Tết), 100% CNLĐ đã trở lại làm việc, không có tình trạng biến động lao động tại doanh nghiệp”- ông Trần Việt Dũng phấn khởi cho biết.
Đến phân xưởng sản xuất, thăm hỏi, chúc Tết, nắm tình hình lao động sản xuất của công nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu vui mừng trước tỉ lệ cao CNLĐ các doanh nghiệp đã trở lại phân xưởng đúng ngày, giờ quy định với tinh thần làm việc hăng say, sôi nổi. Đồng chí đề nghị Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, các Công đoàn cơ sở tiếp tục tham mưu, phối hợp với doanh nghiệp quan tâm chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó thắt chặt hơn nữa niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn cũng như gắn kết hơn người lao động với doanh nghiệp, cùng nhau tiếp tục vượt khó, phát triển.
Trực tiếp tới các doanh nghiệp công nghệ cao để thăm, động viên sản xuất đầu năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận những thành quả phát triển của các doanh nghiệp trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc chuyển giao từ Bộ Khoa học và Công nghệ về thành phố Hà Nội quản lý. Phát triển công nghệ cao là một trong những lĩnh vực Hà Nội quan tâm, đặc biệt là các đơn vị hạt nhân công nghệ cao trong khu.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh chúc các doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, tạo tiền đề để năm 2024 có nhiều đơn hàng mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động; lãnh đạo và nhân viên doanh nghiệp sẽ phát huy truyền thống văn hóa của doanh nghiệp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.