Công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Quyết tâm “về đích” đúng tiến độ
Hà Nội triển khai dự án đường Vành đai 4 khả thi, đảm bảo tiến độ Bổ sung danh mục 31 dự án phục vụ GPMB đường Vành đai 4 Không để xảy ra sai sót, thất thoát trong thực hiện Dự án đường Vành đai 4 |
Nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm
Đường vành đai 4 là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng.
Những ngày này, đi đâu cũng nghe câu chuyện về GPMB dự án Đường Vành đai 4. Cả hệ thống chính trị của TP Hà Nội đang vào cuộc hết sức tích cực, khẩn trương. Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có 3 buổi đi kiểm tra thực địa công tác giải phóng mặt bằng và triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, chỉ trì hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện ủy có dự án đường Vành đai 4 đi qua.
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra việc thực hiện công tác GPMB tại quận Hà Đông |
Tại các buổi kiểm tra, người đứng đầu thành phố nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Hà Nội quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều vướng mắc đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn; Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, Vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Do đó, Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới; Tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đặc biệt là Vành đai 3; Tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của các địa phương có dự án đi qua xác định rõ, triển khai thực hiện Vành đai 4 là nhiệm vụ "trọng tâm của trọng tâm" trong thời gian tới với quyết tâm phải làm được và làm tới cùng. Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, bám dân, sát dân, làm rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, các chủ trương, chính sách nhằm tạo đồng thuận trong Nhân dân; Vận dụng tối đa để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các quận, Huyện ủy phải vào cuộc song song, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm. Các Sở, ngành ngoài cố gắng hơn trong thực hiện nhiệm vụ dự án đường Vành đai 4 cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong công tác tái định cư.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các địa phương có dự án đi qua phải sát sao với công việc, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin của dân và sự tin tưởng của lãnh đạo TP, lãnh đạo Trung ương.
Lễ ký giao ước thi đua giữa Ban Dân vận 7 quận, huyện có dự án đường Vành đai 4 đi qua |
Cũng từ sau Tết Quý Mão tới nay, Ban Dân vận Thành ủy, MTTQ, Hội Nông dân... các quận, huyện đã ký kết công tác thi đua trong GPMB dự án đường Vành đai 4. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, công tác GPMB là lĩnh vực khó nhất, phức tạp nhất khi triển khai mỗi dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, khi khối lượng di dời GPMB rất lớn. Trong khi công tác dân vận, công tác vận động Nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân có vai trò rất quan trọng đối với công tác GPMB
Chính vì thế, Ban Dân vận Thành ủy đã làm việc với Ban Dân vận các quận, huyện để xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm rõ được chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện dự án trọng điểm này. Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân vận các quận, huyện đã tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân trong quá trình GPMB dự án; Đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại, tọa đàm, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân liên quan đến công tác GPMB…
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 đã cơ bản đáp ứng được so với Kế hoạch 244 của UBND TP. Tính đến ngày 3/2/2023, các quận, huyện đã bàn giao 209ha trên tổng số 797,74 ha; Hoàn thành di chuyển 5.187 trên tổng số 11.682 ngôi mộ.
Là một hộ dân có toàn bộ diện tích nhà ở thuộc phạm vi GPMB, ông Phạm Việt Hùng (tổ dân phố số 4 phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ, gia đình ông có 295m2 nằm trên mặt đường quốc lộ 6, hiện đang mở cửa hàng kinh doanh đồ điện với doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điều đáng nói là gia đình ông đã 4 lần di chuyển nhà để phục vụ mở đường. Lần này, toàn bộ 295m2 nằm trọn trọng chỉ giới đường Vành đai 4. Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cán bộ từ quận đến phường, bản thân ông và gia đình nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mở mang nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, do vậy đã phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản, sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, làm tới đâu dứt điểm tới đó
Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh dài 11,2km, đi qua năm xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, liên quan đến 2.700 hộ dân, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành giải ngân và bàn giao mặt bằng với diện tích 118ha/141,5ha (đạt 83,6%).
Tuy nhiên, hiện nay, công tác GPMB còn một số khó khăn. Trong đó, một số hộ dân tự chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau nhưng không có văn bản chứng minh dẫn đến khó khăn trong xác định chủ đất và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường.
Một số hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp vượt tiêu chuẩn do nhiều nguyên nhân, nay không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường, hỗ trợ tài sản tạo lập không đúng mục đích...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng động viên người dân huyện Đan Phượng trong diện GPMB |
Tại huyện Đan Phượng, công tác triển khai dự án đường Vành đai 4 đang gặp khó khăn khi số lượng mộ nằm trong phạm vi GPMB cần phải di chuyển lớn. Trong khi đó các nghĩa trang Nhân dân tại các xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội đang trong quá trình chỉnh trang, mở rộng, cho nên việc sắp xếp, bố trí vị trí để di chuyển đến nghĩa trang mới gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện di chuyển mộ vô chủ chưa có hướng dẫn cụ thể.
Huyện cũng tốn nhiều thời gian khi xác nhận hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp đối với một số cá nhân, hộ gia đình đứng tên sử dụng đất nhưng không thường trú tại địa phương, hộ có người đứng tên chủ sử dụng đất nhưng đã mất, không cử được người đại diện... Qua khảo sát, các địa phương hiện cũng đang gặp khó khăn chung khi thu hồi diện tích đất chéo, méo, khó canh tác, có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng.
Tại các cuộc giám sát của HĐND TP Hà Nội mới đây, đoàn giám sát đã chỉ rõ một số hạn chế của các địa phương để sớm phối hợp với các Sở, ngành đề xuất với UBND TP có giải pháp tháo gỡ. Đó là cho phép thu hồi đất chéo, méo, khó canh tác nằm ngoài chỉ giới để bảo đảm sau đầu tư tuyến đường được hoàn chỉnh đồng bộ cả về kỹ thuật, cảnh quan, cũng như thuận lợi cho quản lý; Có mức thưởng tiến độ khi thực hiện các dự án phục vụ như mở rộng nghĩa trang; Làm rõ việc vướng mắc đối với việc kiểm đếm mộ, việc xác định đơn giá bồi thường với mộ đã cải táng và chưa cải táng, mộ tổ...
Đoàn khảo sát cũng lưu ý các Sở, ngành, đơn vị quan tâm tới vấn đề hồ sơ pháp lý. Mặc dù tiến độ công việc gấp nhưng cũng cần làm rõ những vướng mắc trong thủ tục pháp lý về đất, danh mục thu hồi đất... để có đề xuất tháo gỡ kịp thời. Cùng với việc bảo đảm khối lượng công việc, các đơn vị cũng cần hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp tiến độ.
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của TP là “làm đâu được đó”, dứt điểm, vì vậy các địa phương cần phối hợp với các Sở, ngành của TP rà soát, kiểm đếm số liệu thật chuẩn xác, tiếp tục tập trung cao công tác tuyên truyền, vận động người dân, tạo đồng thuận đối với phương án di dời nơi ở, mồ mả nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng cần làm rõ nguyên nhân từng khó khăn để tham mưu với các cấp có thẩm quyền sớm tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ.