Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng chất lượng, thiết thực
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.
Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả: Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả; công tác khen thưởng bảo đảm chất lượng.
Nét mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua của Thành phố là tổ chức các phong trào thi đua đặc thù theo ngành, lĩnh vực như phong trào: “Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Thi đua thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thi đua “Năm trật tự văn minh đô thị”; Thi đua "An toàn thực phẩm"; Thi đua thực hiện “kỷ cương hành chính”;...
Từ năm 2004 đến nay có gần 5.000 mô hình thi đua do các đơn vị thực hiện như giải pháp hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng tỉ lệ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và xây dựng các hệ thống thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, đất đai, tư pháp của Sở TT&TT; mô hình Trường học điện tử của quận Long Biên;...
Nhìn chung trong những năm qua, tỷ lệ khen thưởng cá nhân là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn Thành phố ngày càng tăng, đến năm 2016, tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng). Đã có cá nhân là nông dân, người dân lao động trực tiếp (không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp) trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn Thành phố).
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương và đánh giá cao tinh thần của Hà Nội trong công tác thi đua, khen thưởng. Trong suốt 13 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều sáng tạo, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc triển khai hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng; xứng đáng là địa phương đi đầu trong công tác thi đua, khen thưởng của cả nước.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần làm tốt hơn nữa công tác công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng. Đồng thời, không ngừng kiến nghị, tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả của Luật, tiếp tục đẩy mạnh cách làm sáng tạo của Hà Nội trong các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, xây dựng người Hà Nội văn minh gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh;...
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị
Cảm ơn và tiếp thu sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hà Nội đề nghị Thủ trưởng các đơn vị bám sát vào nội dung chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch nước; các nội dung của Chương trình hành động số 228 của UBND Thành phố về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố giai đoạn 2015-2020 và Kế hoạch số 115 của UBND Thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới nâng cao công tác thi đua, khen thưởng của Thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Hội đồng thi đua khen thưởng các quận, huyện, thị xã, MTTQ, các đoàn thể, đơn vị thuộc Thành phố phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần, Chỉ thị số 34 của Bộ Chính trị về công tác thi đua khen thưởng; lấy kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng theo 5 nội dung: Đổi mới hoạt động Cụm thi đua, nội dung, hình thức phát động các phong trào thi đua, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt;Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng mức độ 3; Kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, sửa đổi bổ sung quy chế của Hội đồng thi đua khen thưởng theo hướng rõ người, rõ việc...