“Cú hích” kịp thời cho các start-up thời Covid-19
Phát triển Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần quốc gia khởi nghiệp, thành phố Hà Nội cũng là một trong những địa phương tích cực trong công cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo.
Chính quyền thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Hà Nội với hệ sinh thái khởi nghiệp cả nước nói chung.
Ngoài nguồn lực của thành phố, hàng loạt các trung tâm sáng tạo, các chương trình ươm tạo, không gian làm việc chung ra đời đã đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của cộng đồng; Nhiều dự án, công ty khởi nghiệp của thành phố bước đầu gặt hái những thành quả nhất định, trong đó một số dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc.
Khởi động các cuộc thi khởi nghiêp trong năm 2021 |
Nhằm hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của thành phố, xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt và ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2025 tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó có ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỉ đồng.
Nhiều hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019 - 2025
Trong giai đoạn 2019 - 2025, khi các doanh nghiệp thực hiện các dự án khởi nghiệp sẽ được nhận nhiều hỗ trợ từ Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Văn Quân cho biết: "Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí truyền thông để thực hiện dự án... Được Sở Thông tin và Truyền thông giúp hình thành, hoàn thiện và duy trì truyền thông trên cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo StartupCity.vn.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ về đào tạo phát triển nguồn nhân lực như: Hỗ trợ kinh phí để đào tạo kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo tối đa 20 triệu đồng/doanh nghiệp hoặc dự án/năm; Hỗ trợ kinh phí để đào tạo huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo tối đa 20 triệu đồng/cố vấn, huấn luyện viên/năm.
Đề án cũng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất cho khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí để xây mới, cải tạo, sửa chữa các vườn ươm doanh nghiệp, không gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tối đa 200 triệu đồng/đơn vị; Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cơ sở ươm tạo 50%, tối đa 5 triệu đồng/doanh nghiệp/tháng...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được thúc đẩy liên kết, kết nối hệ sinh thái với việc hỗ trợ kinh phí tổ chức cuộc thi, giải thưởng; hỗ trợ kinh phí tham gia gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp TP; Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các khóa huấn luyện tập trung tại nước ngoài tối đa 100 triệu đồng/doanh nghiệp hoặc dự án..."
Ngoài ra, dựa vào vị thế thuận lợi, thành phố Hà Nội có cơ hội nhận hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức quốc tế như: IPP (Phần Lan), BIPP (Bỉ), SwissEP (Thụy Sỹ), VTEC (EU); Thông qua các chương trình đào tạo và hoạt động hỗ trợ tài chính.
Một số chương trình quốc tế đã và đang diễn ra tại Việt Nam có thể kể tới như: Chương trình Aus4Innovation; Chương trình phát triển bền vững từ các tổ chức phi chính phủ; Chương trình “Innovation Partnership Program” (IPP).
Bên cạnh các chương trình quốc tế, thành phố Hà Nội với các điểm mạnh của mình vẫn đang dẫn đầu cả nước về cơ hội phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khi là trung tâm thu hút đầu tư với 21 trên tổng số 37 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đặt tại Việt Nam.
SpaceShare “Không gian làm việc” - ngôi nhà chung cho giấc mơ khởi nghiệp |
Về không gian khởi nghiệp sáng tạo (không gian làm việc chung): Theo số liệu khảo sát, tính đến năm 2020, trên địa bàn thành phố đã có tới 22 không gian làm việc chung đứng thứ 2 của nước chỉ sau TP HCM với 26 không gian làm việc chung.
Mô hình này phát triển và trải rộng tại nhiều vị trí trong thành phố Hà Nội và thường có nhiều hơn một chi nhánh giúp mở rộng kết nối của các thành phần trong hệ sinh thái với diện tích lớn nhất lên tới 2.500m2.
Đánh giá mức độ tăng trưởng số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội trong giai đoạn 2015 - 2020, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sự tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ khi Hà Nội triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, năm 2020, trong bối cảnh suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có phần sụt giảm 21,05% so với giai đoạn 2016 - 2019. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong thời điểm này là dấu hiệu đáng mừng cho thấy khả năng thích ứng của các doanh nghiệp.
Đầu năm 2021, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, nhưng nhiều startup đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |