Cúng cô hồn thế nào cho đúng?
Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Với quan niệm, sau khi chết, hồn con người vẫn tồn tại, có thể đầu thai hoặc bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói (ngạ quỷ). Vào tháng cô hồn, người dân Việt Nam cúng vào ngày rằm hoặc ngày khác tùy thuộc vào từng gia đình và vùng miền.
Ảnh minh họa |
Gợi ý chuẩn bị mâm cúng cô hồn như sau:
- Bánh kẹo, hoa quả các loại, muối gạo, bỏng ngô, cháo trắng loãng, cơm vắt, ngô, khoai, sắn, mía để nguyên vỏ cắt khúc ngắn nhỏ, đường cục…
- Giấy áo, giấy tiền vàng mã, hương nhang, nến, nước lọc…(cúng cô hồn không cúng đồ mặn, tất cả hoàn toàn là đồ chay).
- Phần cúng quan trọng nhất là món cháo loãng. Quan niệm dân gian cho rằng, món này dành cho những linh hồn bị đày đọa có thực quản nhỏ và hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Bởi vậy, khi chuẩn bị mâm cúng đúng cách cúng cô hồn nhất thiết cần phải có món cháo loãng.
Thời điểm cúng cô hồn cũng rất quan trọng. Lễ cúng cô hồn thích hợp nhất nên thực hiện vào buổi chiều tối. Bởi theo quan niệm dân gian, ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mạnh nên các cô hồn được “mở cửa” thả ra rất yếu. Vì thế, nếu cúng ban ngày, các cô hồn sợ ánh sáng sẽ không thể đến nhận những đồ vật phẩm cúng của các gia đình nên không hiệu quả.
Vị trí mâm lễ cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Nhiều người lo ngại khi cúng chúng sinh, nếu cúng xong không biết cách mời vong đi thì sẽ rước vong vào nhà. Nếu lo ngại thì bạn có thể cúng tại chùa.
Lưu ý, khi cúng cô hồn không cúng đồ mặn như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,... vì làm tăng tính sát sinh khiến các cô hồn còn sân hận và luyến tiếc dương thế.
- Nên cúng đồ chay để các cô hồn dễ siêu thoát hơn. Bên cạnh đó, khi cúng không nên cầu xin gì mà chỉ thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn.
- Không nên để trẻ con, phụ nữ mang thai và người già lại gần khi cúng cô hồn vì dễ bị cô hồn trêu chọc, quấy rối.
Những điều nên làm hay không nên làm trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian. Nhưng với quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên người Việt vẫn truyền miệng và chú trọng làm theo.