Cùng "Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp"
Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm "Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp"
Bài liên quan
Cùng đọc những cuốn sách hay trong mùa Halloween
Nguyễn Phúc Lộc Thành - người "lạ hóa" lục bát
Trò chuyện về "Xóm Bờ Giậu" với nhà văn Trần Đức Tiến
Gợi nghĩ về tuổi thơ với "Qua khỏi dốc là nhà"
Tham dự buổi tọa đàm có thành viên gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh, soạn giả Nguyễn Lân Bình, TS Chu Văn Sơn, Nhà thơ Vũ Quần Phương, TS Đỗ Anh Vũ, GS Trần Ngọc Vương, TS Văn Giá, nhiều GS, TS và các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nghiên cứu văn học cũng như đông đảo sinh viên Khoa Viết văn Báo chí và độc giả, giới truyền thông...
Các diễn giả và khách mời tập trung phân tích những cái hay, cái đẹp và đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại trong các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng: “Đối với người làm thơ nhiều khi không quan trọng là làm được nhiều bài hay ít bài. Cái quan trọng nhất là họ để lại được những gì. Giống như trường hợp của Bà Huyện Thanh Quan, hầu như ai cũng biết đến tên bà với bài “Qua Đèo Ngang”. Nguyễn Nhược Pháp cũng vậy. Dù sự nghiệp thơ của ông không nhiều nhưng với hai bài “Sơn Tinh, Thủy Tinh” và “Chùa Hương” cũng đã đủ tạo nên một chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ”.
Hai bài thơ này nhiều điểm hay nhưng điều thú vị nhất là bạn đọc cho mãi sau này, ở thời đại lượng tử vẫn cứ phải mỉm cười thú vị vì những nét tâm lí nhân vật mà Nguyễn Nhược Pháp khắc họa qua từng câu, từng chữ. Chẳng hạn trong “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, việc gả con gái của Vua Hùng xem ra rất khó khăn. Bởi “Nhưng có một nàng mà hai rể/ Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu tại buổi tọa đàm |
Cái “hơi nhiều” là sự bình giá của người hiện đại với sự việc long trọng của người đời xưa. Vì thế khiến “Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước”. Những câu tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn chứa những nụ cười đầy ý nhị, duyên dáng.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, kể cả kịch, thơ của Nguyễn Nhược Pháp đều toát lên một điều rằng tác giả rất giỏi về tâm lí. “Cụ phát hiện ra rằng cô gái đi Chùa Hương trong bài thơ cùng tên vừa có sự ngây thơ, thẹn thùng muốn giấu mình đi nhưng lại vừa muốn khoe mình ra. Cái vừa giấu vừa khoe ấy chỉ có thể là ở các cô gái mới lớn. Nguyễn Nhược Pháp đã rất tài tình khi “gọi” ra đúng cái tâm lí lứa tuổi này”.
Vũ Quần Phương, đứng ở phương diện bạn đọc đã bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến soạn giả Nguyễn Lân Bình, là người trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã biên soạn cuốn “Nguyễn Nhược Pháp- Hoa một mùa”, cảm ơn NXB Phụ nữ đã ấn hành cuốn sách này. Bởi lẽ trước đây bản thân ông đi học cũng chỉ được đọc thơ của Nguyễn Nhược Pháp mà thôi. Trong khi cuốn sách này có tập hợp đầy đủ cả truyện ngắn, thơ, kịch và phê bình của thi sĩ.
Cuốn sách vì thế là một chân dung bằng chữ khá đầy đủ về một thi sĩ đặc biệt trong thi đàn Việt Nam thời 1930-1945. Ông cho rằng, nếu Nguyễn Nhược Pháp không mất sớm thì ông còn thành công hơn nữa, bởi ông chính là nhân chứng, là người trong cuộc đang sống trong bầu không khí Thơ Mới đang sôi trào mạnh mẽ.
Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn cũng nhận định: “Nguyễn Nhược Pháp là con của nhà khai sáng Nguyễn Văn Vĩnh. Ông cũng tỏa sáng rất sớm, tỏa sáng mạnh và như một ngôi sao, đi khỏi bầu trời văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là một sự vô cùng tiếc nuối”.
TS Chu Văn Sơn cũng dành những lời tâm huyết về thi sĩ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp |
TS Chu Văn Sơn khiến khán phòng rất thích thú khi tiết lộ ý nghĩa cái tên của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Số là học giả Nguyễn Văn Vĩnh hay lấy các sự kiện xã hội để đặt tên cho con. Năm 1914, khi Nguyễn Nhược Pháp sinh ra thì nước Pháp bắt đầu suy yếu trên các mặt trận nên cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt tên con mình là Nhược Pháp, tức là nước Pháp yếu.
Nguyễn Nhược Pháp thuộc tuýp phổ biến thời bấy giờ, lấy đi nước mắt của nhân gian rất nhiều. Đó là tuýp tài hoa bạc mệnh. Giống như các nhà văn Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, họa sĩ Nguyễn Tường Lân, nhạc sĩ Đặng Thế Phong… mọi lĩnh vực chứ không riêng gì văn học đều có người rất tài mà đều mất sớm.
Trong số đó, Nguyễn Nhược Pháp là người chết trẻ nhất, khi mới 24 tuổi. Trước khi mất, anh hoa của ông đã kịp phát tiết, phát tiết trên mọi lĩnh vực từ thơ cho đến kịch, truyện ngắn, phê bình…
Bìa cuốn sách "Hoa một mùa" do NXB Phụ nữ ấn hành |
Cuốn sách “Nguyễn Nhược Pháp- Hoa một mùa” dày 354 trang gồm toàn bộ các sáng tác thơ, truyện, kịch và phê bình văn học bằng tiếng Pháp của Nguyễn Nhược Pháp do NXB Phụ nữ ấn hành. Trong “Lời nói đầu”, soạn giả Nguyễn Lân Bình đã cho biết: “Bản gốc những di cảo của Nguyễn Nhược Pháp thực tế không còn. Những tác phẩm này của Nguyễn Nhược Pháp đã dược hai em trai là Nguyễn Phổ và Nguyễn Kỳ cùng với em gái là Nguyễn Thị Mười dày công sưu tầm từ các đầu sách và báo cũ, với mục đích giản dị, xuất phát từ lòng trân trọng tài năng của người anh trai xấu số và thương mến cốt cách của người anh đã từng là “thầy giáo” của gia đình”…
Từ đó, ông bày tỏ: “Chúng tôi, những người sưu tầm và biên tập cuốn sách này không phải chỉ hãnh diện, tự hào mà hơn nữa, chúng tôi cảm thấy vui sướng vì đã làm được một điều ngạc nhiên cho tất cả những ai yêu mến văn hóa, trân trọng văn học và yêu quý thi sĩ tài danh, tác giả của bài thơ đẹp nhất trong lịch sử Việt Nam khi nói về cõi linh thiêng trong cuộc sống tinh thần của người Việt- Chùa Hương”.