Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Hà Nội khởi sắc
Ngắm những đổi thay trên quê hương có 18 anh em dân tộc cùng sinh sống Gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Mường ở huyện Quốc Oai Chàng trai dân tộc Mông làm giàu với cây sơn tra |
Trên địa bàn Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung tại 14 xã thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Cuộc sống đồng bào các xã dân tộc miền núi đang đổi thay từng ngày nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng và thành phố |
Để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội dành hơn 2.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 224 dự án trên các lĩnh vực: Y tế, thủy lợi, nước sạch, văn hóa, trường học, giao thông. Ngoài ra, thành phố còn có chính sách đối với người có uy tín, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế…
Theo ông Nguyễn Ánh Dương - Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội, các chương trình, dự án, chính sách đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đến nay, 100% khu vực miền núi đã có mạng lưới điện quốc gia. Trình độ dân trí ngày một nâng cao. Tệ nạn xã hội và các hủ tục dần được đẩy lùi.
Tại huyện Quốc Oai, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sống tập trung tại hai xã Phú Mãn và Đông Xuân. Với sự quan tâm của thành phố, đến nay, đời sống mọi mặt của đồng bào được nâng cao. Đặc biệt, từ năm 2017, hai xã nói trên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Bùi Văn Bồng (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) phấn khởi nói: “Nhờ có chính sách của thành phố, không chỉ đường giao thông liên thôn được bê tông hóa giúp việc đi lại dễ dàng hơn, một số hộ dân còn được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt nên bà con rất phấn khởi”.
Cũng nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng, chính sách đúng đắn của UBND TP Hà Nội, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Thạch Thất chỉ còn 0,82%, giảm 2,22% so với năm 2016, thu nhập bình quân đầu người là 44 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2016, theo báo cáo của UBND huyện. Huyện Thạch Thất có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Các nhà văn hóa thôn từng bước được đầu tư xây dựng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho nhân dân. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trạm y tế, hệ thống đài truyền thanh được đầu tư khang trang…
Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Quách Văn Hậu (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) chia sẻ: “Chính sách của Nhà nước, thành phố đã giúp nhiều người được vay vốn xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.
Tại huyện Mỹ Đức, xã An Phú là xã duy nhất có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, UBND huyện Mỹ Đức đã triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc công khai, dân chủ, đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực. “Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% đến 8%; 100% đường giao thông liên thôn, bản được bê tông; 40% hệ thống thủy lợi, kênh mương được cứng hóa. Các thôn đều có nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Dù đạt những kết quả tích cực nhưng vẫn cần thêm nhiều nguồn lực để tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với các xã vùng đồng bằng. Bởi thực tiễn, nhu cầu đầu tư vào các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi rất lớn, nhưng việc bố trí kinh phí còn bất cập.
Đơn cử, theo Kế hoạch 138/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, huyện Quốc Oai được phê duyệt 58 dự án cho khu vực này, nhưng đến nay mới triển khai được 14 dự án. Tương tự, huyện Mỹ Đức được duyệt 27 dự án, nhưng đến nay mới có 13 dự án thực hiện.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các chương trình, dự án còn dàn trải, thi công kéo dài, nhất là các dự án về giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Vốn đối ứng của địa phương và nhân dân còn hạn chế, quy mô đầu tư ở một số nơi chưa sát thực tế cũng là vấn đề đặt ra.
Để nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu đề xuất thành phố cần bố trí đủ nguồn lực theo kế hoạch, đặc biệt ưu tiên cho nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án về thủy lợi, nông nghiệp... Ngoài ra, thành phố cần có chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao cho khu vực này.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình khẳng định, sau đợt khảo sát thực tế tại các địa phương, trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các huyện, các ban HĐND thành phố sẽ đề xuất, kiến nghị với Thường trực HĐND, UBND thành phố giải pháp để các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào cuộc sống chất lượng, hiệu quả hơn.