Đa dạng hình thức tuyên truyền về quản lý biên giới Việt–Lào
Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia |
Gần 250 đại biểu của 10 tỉnh có đường biên giới đất liền Việt Nam – Lào tham dự hội nghị (Ảnh: quangnam.gov.vn) |
Nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ đường biên và mốc giới
Sáng 16/10, tại tỉnh Quảng Nam diễn ra hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, cán bộ 10 tỉnh biên giới Việt Nam - Lào gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: quangnam.gov.vn) |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn bó suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, cùng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong những năm qua, tình hình biên giới hai nước được duy trì, đảm bảo ổn định.
Đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh “Các cấp, các ngành các địa phương khu vực biên giới cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chú trọng tuyên truyền bằng ngôn ngữ của các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và tuyên truyền đối ngoại về công tác biên giới trên đất liền.
Các địa phương, đơn vị đổi mới phương thức tham gia xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, có chiều sâu, nhất là trong nắm tình hình địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ đường biên, cột mốc”.
Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam (Việt Nam) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) tuần tra song phương đoạn biên giới từ mốc 691 đến 702. (Ảnh: quangnam.gov.vn) |
Được biết, đường biên giới Việt Nam - Lào dài khoảng 2.337,459 km, đi qua 10 tỉnh biên giới Việt Nam, gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía tiếp giáp bên phía nước bạn Lào đi qua 10 tỉnh: Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Xê Kông và Ắt Tạ Pư.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào có khoảng 168.700 hộ, với 738.200 nhân khẩu, thuộc 36 dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 76,3%. Tuy vậy, mật độ dân cư tại khu vực biên giới còn thưa thớt; điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít bộ phận dân cư sống du canh, du cư, trình độ lạc hậu... Điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới và mốc giới.
Tăng cường chia sẻ, giúp đỡ nhau
Trong khuôn khổ hội nghị, báo cáo viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trình bày báo cáo chuyên đề và thảo luận các nội dung về công tác biên giới lãnh thổ đóng góp thiết thực trong xây dựng, bảo vệ đất nước trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào; thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vấn đề phát sinh trong quản lý biên giới quốc gia trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thời gian qua; và phương hướng phát triển thương mại biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, tỉnh có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sekong (Lào), dài trên 157 km, với 60 cột mốc và 7 cọc dấu thuộc 2 huyện Nam Giang và Tây Giang, với 14 xã, 71 thôn, 6.527 hộ, 25.077 khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng.
“Trong nhiều năm qua, công tác quản lý biên giới trên đất liền luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sekong (Lào) đã thực hiện hiệu quả mô hình "kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới”.
Sau 27 năm tái lập, đến nay, tỉnh Quảng Nam đang có sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, một số mục tiêu, chỉ tiêu có sự phát triển bứt phá; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đô thị phát triển theo hướng văn minh và hiện đại; nông thôn phát triển đạt các tiêu chí nông thôn mới...
Đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sekong. Mô hình này có ý nghĩa và đem lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt; trong đó, kết quả nổi bật là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên được giữ vững.
Thông qua hoạt động giao lưu Nhân dân đặc biệt này, cộng đồng dân cư hai bên biên giới không chỉ có cơ hội xây dựng, củng cố mối quan hệ gần gũi, thân thuộc mà còn có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thời gian qua, Quảng Nam đã quan tâm tạo điều kiện để Nhân dân các bản biên giới của tỉnh Sê Kông sang khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tại huyện Tây Giang và Nam Giang.
Cột mốc biên giới 678 Việt Nam - Lào tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam |
Tuy nhiên, hiện nay pháp luật của Việt Nam chưa có quy định cụ thể chi cho việc hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người vùng biên giới nước bạn Lào (kinh phí của tỉnh không thanh, quyết toán được); vì vậy, kính đề nghị Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung ương đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn cụ thể việc chi kinh phí khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào vùng biên giới.
Ngoài ra, hiện nay Quốc lộ 14D từ Bến Giằng lên cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh Quảng Nam mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư tuyến đường này để thúc đẩy hợp tác, vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa hai bên, tạo cơ hội để doanh nghiệp của hai tỉnh sang đầu tư, kinh doanh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tham quan Không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ |
Trước đó, đoàn đại biểu 10 tỉnh có đường biên giới đất liền Việt Nam- Lào về tham dự hội nghị đã tới dâng hoa, viếng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ tại phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.