Đà Nẵng: Chi phí tăng cao, ngư dân gặp khó vươn khơi bám biển
Nhiều tàu cá nằm bờ do chi phí nhiên liệu "phi mã" không đủ chi phí để tiếp tục ra khơi (Ảnh Đ.Minh) |
Những ngày này, cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) không còn cảnh tấp nập tàu thuyền ra vào bờ như cùng thời điểm các năm trước, mặc dù vụ cá trong năm đã bắt đầu.
Bám biển trong khó khăn
Theo ngư dân, trong hoạt động đánh bắt thì nhiên liệu chiếm đến 80% chi phí cho mỗi chuyến biển, trong khi tính từ đầu năm đến nay, giá dầu diesel tăng vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít vào 11/3, đã làm tăng chi phí rất lớn trong hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Đối với phương tiện cào đôi thì mức tiêu hao nhiên liệu mỗi ngày từ 1.500 lít đến 1.800 lít dầu DO. Việc giá dầu tăng dẫn đến chi phí đánh bắt tăng lên và mức lợi nhuận của ngư dân giảm xuống.
Trong khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. Để giảm bớt chi phí do giá xăng dầu tăng, nhiều ngư dân đã kéo dài thời gian bám biển, thậm chí nhiều tàu cá đã nằm bờ do không đủ chi phí nhiên liệu.
Với quyết tâm vượt khó vươn khơi, bám biển, các ngư dân, nhiều chủ tàu cá tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang tìm đủ mọi cách để tiết kiệm chi phí, đánh bắt hiệu quả nhằm bù lại phần chi phí nhiên liệu tăng.
Bà V.H chủ tàu cá ĐNa 904xx (quận Sơn Trà) thở dài “Chúng tôi sống bằng nghề đánh bắt khai thác thuỷ sản, nguồn lợi đánh bắt thu được đem vào bán rất thấp. Thứ hai giá dầu cao, so sánh nguồn lợi đánh bắt với giá dầu thì bà con không có lãi. Hàng đợt ghe vào, bà con phải tu bổ, ghe cộ máy móc trang thiết bị, chi phí tu bổ rất nhiều, cho nên đầu năm đến nay bà con làm rất khó khăn”.
“Tàu nhà tôi vừa cập bến được hai ngày sau một tuần ra khơi, tổng chi phí hết khoảng 48-50 triệu đồng, trong khi đó, chuyến vừa rồi hàng bán ra chỉ thu về 57-58 triệu đồng. Với 30 con cá ngừ đại dương, nhưng vì cá đợt này nhỏ nên tổng trọng lượng chỉ đạt gần 1 tấn. Số tiền thu được chỉ đủ bù chi phí chuyến biển, tàu nằm bờ thì chỉ có đói, nhưng cứ theo đà này thì tôi cũng chưa dám ra khơi nữa”, bà V.H buồn rầu nói thêm.
Trung bình mỗi chuyến biển dài 15 ngày, chi phí gồm nhiên liệu, đá cây, lương thực thực phẩm tốn trên 100 triệu đồng nhưng do giá dầu tăng khiến chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng thêm hơn 20% so với trước, nên ngư dân gặp không ít khó khăn. Trước tình hình giá dầu vẫn ở mức cao, tàu đánh bắt xa bờ phải kéo dài thêm thời gian bám biển từ 20 - 25 ngày để hạn chế chi phí nhiên liệu ra vào ngư trường.
Ngư dân Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu vụ cá năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao, giá cả thành phẩm giảm và ảnh hưởng dịch bệnh (Ảnh Đ.Minh) |
Cần sớm có giải pháp hỗ trợ
Ngư dân L.Q.T (32 tuổi) chủ tàu cá QNg 947xx chia sẻ “Tiếng thì đánh bắt nhiều, nhưng bán rẻ quá nên sau chuyến biển hơn 10 ngày, tàu tiêu tốn 3.000 lít dầu, anh em chúng tôi chia nhau mỗi người có 5 triệu đồng. Một mùa biển dù có sản lượng tốt nhưng chi phí nhiên liệu phát sinh, trong khi nhiều mặt hàng hải sản khó khăn tiêu thụ giá không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng sụt giảm, mong các cơ quan nhà nước có thêm các biện pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển trong thời điểm khó khăn này”.
Khi được hỏi, tại sao các chủ tàu không nâng giá bán hải sản lên một vài giá để bù chi phí thì đa số ngư dân cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người mua giảm, không thể bán cao hơn được vì sẽ không có người mua.
Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh cho rằng, chi phí đầu vào nhiên liệu đã tăng nhưng đầu ra giá thu mua thủy sản chưa thể tăng tương ứng. Hiện nay, nhiều chủ tàu luôn phải tính toán cân đối chi phí đầu vào sao cho hợp lý, mỗi chuyến biển mới phải nắm chắc phần thắng, không bị thua lỗ mới có thể vươn khơi.
Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng kiến nghị: “Tuy giá xăng dầu tăng theo thế giới, nhưng Nhà nước có thể xem xét miễn giảm các khoản thuế phí với xăng dầu, bởi nhiên liệu là mặt hàng cần thiết chứ không phải là mặt hàng xa xỉ nên cũng cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Do vậy, để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, cần có thêm chính sách hỗ trợ giá nhiên liệu, tiền mua bảo hiểm vật chất thân tàu và các bảo hiểm rủi ro con người cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt. Các hội, đoàn thể và cơ quan ban ngành liên quan cần động viên ngư dân thành lập tổ, hội nghề cá để hỗ trợ nhau trong việc đánh bắt cũng như giải quyết các rủi ro gặp phải trong lúc hành nghề.