Đà Nẵng đưa bản đồ mưa và ngập nước lên app Danang Smart City
Triều cường vượt báo động 3, nhiều nơi tại TP HCM có nguy cơ bị ngập Ô tô điện biến thành chiếc thuyền, chạy băng băng qua vùng ngập nước Đà Nẵng: Cần ưu tiên nguồn lực xử lý ngập nước đô thị |
Ứng dụng bản đồ mưa và ngập nước tích hợp trên app Danang Smart City |
Để giảm thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Đà Nẵng vừa hoàn thiện tích hợp, đưa hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn lên ứng dụng Danang Smart City để phục vụ người dân.
Theo Sở TT&TT TP Đà Nẵng, để triển khai các giải pháp phòng chống mưa, lũ, lụt, sạt lở biển trên địa bàn, đơn vị đã thu thập dữ liệu, hoàn thiện và đưa hệ thống bản đồ theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn lên ứng dụng Danang Smart City.
Hệ thống cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn để cung cấp cho chính quyền (Ảnh Đ.Minh) |
Trước đó, sau đợt mưa, ngập lớn vào ngày 14/10/2022, Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã huy động nhân lực từ các doanh nghiệp công nghệ số (FPT SBI, SDT, AHAMOVE, VRAIN,…) cùng xây dựng phân hệ thu thập thông tin/số liệu về lượng mưa trên địa bàn TP (không sử dụng kinh phí từ ngân sách) và kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, cộng đồng từ ngày 22/10/2022.
Không những vậy, hệ thống đã được tích hợp lên ứng dụng thông minh của thành phố Danang Smart City, nhằm góp phần vào phòng tránh thiên tai, giảm thiệt hại người và tài sản.
Cụ thể, qua việc thu thập này, hệ thống sẽ công khai thông tin, thông báo và cảnh báo đến người dân, cộng đồng qua ứng dụng trên điện thoại (app Danang Smart City).
Người dân có thể bấm gửi yêu cầu để cơ quan chức năng hỗ trợ trong lúc mưa, lũ, bão |
Bên cạnh đó, nội dung cung cấp được hiển thị qua các thư mục cụ thể, từ theo dõi lượng mưa tại 44 trạm đo mưa và so sánh với lượng mưa cao điểm vào ngày 14/10/2022 (trên bản đồ và biểu đồ); theo dõi mức ngập nước tại các vị trí, tuyến đường chính trên địa bàn để chủ động trong di chuyển, đi lại hoặc ứng phó và xem thông tin mức ngập nước cao điểm tại 279 vị trí (có tọa độ cụ thể) vào ngày 14/10/2022.
Đặc biệt, hệ thống cho phép người dân gửi thông tin mức ngập nước hiện tại cũng như thông tin liên quan khi có mưa lớn lên hệ thống để cung cấp cho chính quyền và công khai cho người khác biết, bên cạnh đó, người dân có thể bấm gửi yêu cầu để cơ quan chức năng hỗ trợ trong lúc mưa, lũ, bão…
Tại phân hệ cán bộ quản trị, các cơ quan, địa phương có thể xem, xét duyệt các dữ liệu ngập do người dân, cộng đồng gửi lên để có thông tin phục vụ cho công tác ứng phó, chống ngập. Tiếp nhận các yêu cầu cứu hộ khẩn cấp của người dân trên địa bàn để chủ động hỗ trợ…
Từ đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có thông tin về tình hình mưa, ngập trên địa bàn để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
Mưa lớn sáng 18/9 đã gây ngập nhiều tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh) |
Một số người dân phải di chuyển lên lề đường để tránh ngập (Ảnh Đ.Minh) |
Từ rạng sáng 18/9, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng ở Đà Nẵng. Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng bị ngập nước. Tại quận Liên Chiểu, các tuyến phố như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Bắc Sơn bị ngập nước để nửa bánh xe, đoạn sâu trũng bị ngập nặng.
Mưa lớn đã gây ngập nhiều tuyến đường ở thành phố Đà Nẵng như Huỳnh Ngọc Huệ, Trần Xuân Lê, Nguyễn Văn Linh...và khu vực Sơn Trà nước cũng ngập sâu.
Trong 6 giờ qua (từ 0h - 6h ngày 18/9) trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa nhỏ đến vừa, có nơi mưa to. Tổng lượng mưa một số nơi như sau: Hòa Khê: 27.2mm, Hồ Thạc Gián: 27.8mm, Chi cục Thuỷ Lợi: 30.6mm. Hiện nay, mực nước trên sông Vu Gia, sông Cẩm Lệ đang dao động và ở mức thấp. Trong 2 - 3 giờ tới, nguy cơ xảy ra ngập úng trên các tuyến đường và khu vực thấp trũng
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, Đà Nẵng sẽ còn mưa to đến rất to trong ngày 18 - 21/9 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4 và đổ bộ trực tiếp miền Trung. Lượng mưa dự báo ở Đà Nẵng cũng như khu vực Thanh Hóa - Quảng Ngãi từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm. Đề phòng ngập lụt các vùng trũng thấp, đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.