Đà Nẵng: Nắm bắt nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ em
Tổ chức dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn Sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em huyện Đông Anh Cơ hội để các em nhỏ phát triển kỹ năng trong dịp hè |
Kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố Đà Nẵng lần thứ XI năm 2024 do Hội đồng Đội thành phố tổ chức (Ảnh Đ.Minh) |
Những vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em
Ngày 18/7, Hội đồng Đội thành phố Đà Nẵng tổ chức Kỳ họp Hội đồng trẻ em thành phố Đà Nẵng lần thứ XI năm 2024.
Đây là hoạt động, nhằm cụ thể hoá chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị nội dung tham gia Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật trẻ em, các quyền của trẻ em.
Chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Đà Nẵng phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Đà Nẵng cho biết, đây là cơ hội cho thiếu nhi phát huy tốt quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em. Qua đó, chương trình tạo nên sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, là cầu nối hiệu quả giúp các cấp lãnh đạo, nhiều cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt tình hình, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của trẻ.
Tại chương trình, các đại biểu Hội đồng trẻ em thành phố được chia nhóm thảo luận và đưa ra ý kiến đóng góp theo 2 nội dung chủ đề phiên họp giả định. Cụ thể, phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em; phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường.
Ngoài ra, các em thiếu nhi đưa ra nhiều vấn đề quan tâm như: Mỗi trường nên có một giáo viên chuyên biệt về tâm lý học đường; xây dựng thêm nhiều điểm vui chơi, giải trí lành mạnh cho thiếu nhi; tổ chức thêm những buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng vệ chính đáng cho trẻ em; vấn đề thực phẩm bẩn len lỏi vào học đường; cần kiểm soát các nội dung trên không gian mạng (Facebook, YouTube, TikTok)…
Các đại biểu Hội đồng trẻ em thành phố được chia nhóm thảo luận và đưa ra ý kiến đóng góp theo 2 nội dung chủ đề phiên họp giả định (Ảnh Đ.Minh) |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Em Lê Anh Thư, bày tỏ vô cùng lo lắng về vấn đề thực phẩm bẩn len lỏi vào học đường, làm gì để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường.
“Khu vực xung quanh cổng trường học có nhiều quán hàng rong bán đồ ăn vặt cho học sinh chúng em như: Nem chua rán, xúc xích, chả viên, cóc dầm, xoài dầm, đồ uống, bánh kẹo... có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn quà vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường, bên cạnh đó hàng loạt vụ việc tuồn thực phẩm bẩn cho học sinh ăn vào bữa trưa.
Cần có các biện pháp ngăn chặn triệt để thực phẩm bẩn len lỏi vào trường học, nếu ăn phải những thức ăn có chứa chất bảo quản và phẩm màu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người” em Lê Anh Thư chia sẻ.
Em Kiều Diễm, học sinh lớp 9/5 (quận Cẩm Lệ) cho rằng bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần (Ảnh Đ.Minh) |
Đây là cơ hội cho thiếu nhi phát huy tốt quyền tham gia của mình vào các vấn đề của trẻ em (Ảnh Đ.Minh) |
Tương tự, em Kiều Diễm, học sinh lớp 9/5 (quận Cẩm Lệ) cho rằng bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, đáng báo động, để lại hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
“Mỗi học sinh cần mạnh dạn lên tiếng, dám tố cáo. Khi nghi ngờ bạn bè bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường thì một trong những biện pháp bảo vệ bạn đó bằng cách không tiết lộ thông tin bí mật đời sống riêng tư; chia sẻ với người tin cậy nhất như cô giáo chủ nhiệm, các thầy cô làm công tác Đội, Đoàn…
Nếu các bạn có hành vi chưa đúng hoặc sai thì phải chịu kỷ luật, nhưng đó là kỷ luật tích cực, không bạo lực, không nước mắt. Học sinh cần được tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phát hiện, ngăn chặn liên quan đến bạo lực học đường”, em Kiều Diễm kiến nghị.
Tình huống giả định của các em thiếu nhi Đà Nẵng về vấn đề bạo lực học đường tại Hội thi “Văn hóa học đường” năm 2023 (Ảnh Đ.Minh) |
Đặc biệt, liên quan vấn đề phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường, theo các đại biểu Hội đồng trẻ em thành phố, hình ảnh những cô cậu lứa tuổi học trò phì phèo khói thuốc đã không còn xa lạ. Đa phần học sinh hút thuốc lá điện tử bắt nguồn từ môi trường “tập nhiễm”.
Ví dụ khi trẻ nhỏ sống trong nhà có cha mẹ, anh chị hoặc trong nhóm bạn ở lớp có người hút thuốc lá thì sẽ tò mò hút theo. Nếu không có người ngăn chặn thì lâu dần sẽ trở thành thói quen rồi dẫn tới nghiện.
Mặt khác, ở tuổi “ẩm ương”, học sinh thường có xu hướng khẳng định mình trước đám đông, bè bạn; làm sao cho thật “ngầu”, thật “chất chơi”. Thuốc lá điện tử là một cách lệch lạc được học sinh chọn.
Thiếu nhi Đà Nẵng mong muốn có nhiều cuộc thi, sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh, bổ ích hơn nữa, giúp các em tránh xa được tệ nạn xã hội (Ảnh Đ.Minh) |
Do đó, nhà trường cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của học sinh, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng phòng tư vấn học đường. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với gia đình trong quản lý, giáo dục con; nên tập huấn cho các thầy cô phương pháp nắm bắt tâm lý, các kỹ năng tư vấn, làm việc với trẻ em để hiểu tâm lý và giúp đỡ học sinh.
Tiếp nhận các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu Hội đồng trẻ em thành phố, chị Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Đà Nẵng cho biết, theo nhóm vấn đề cụ thể, sẽ định hướng ưu tiên đến các ý kiến để đưa ra đề xuất, kiến nghị về xây dựng chính sách, chương trình, hoạt động đồng bộ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hỗ trợ thiếu nhi Đà Nẵng theo chủ đề nêu trên.
Tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là một hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em.