Đà Nẵng: Nhiều bất cập trong việc phân loại, xử lý rác thải F0 cách ly tại nhà
Phân loại rác thải F0 cách ly tại nhà cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân (Nguồn: TTKSBT) |
Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại TP Đà Nẵng tăng vọt, mỗi ngày xấp xỉ 2.000 trường hợp. Thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng, hơn 93% số ca mắc COVID-19 được điều trị tại nhà. Tính đến ngày 10/3/2022, địa phương này đang cách ly, điều trị 51.680 trường hợp F0 tại nhà, trong đó 28.225 trường hợp không có triệu chứng, 25.835 trường hợp triệu chứng nhẹ.
Khó khăn phân loại rác thải F0
Mặc dù đã có hướng dẫn cụ thể về việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà nhưng công tác này đang phát sinh rất nhiều bất cập.
Thời gian gần đây, chị H.T là công nhân Xí nghiệp môi trường tại TP Đà Nẵng thường xuyên phải tiếp xúc với những chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao từ những F0 đang tự cách ly, điều trị tại nhà. Khẩu trang y tế, găng tay, đồ bảo hộ, kit test nhanh... trộn lẫn với rác thải sinh hoạt hằng ngày.
Chị H.T, cho biết: “Rác thải khẩu trang, kit test nhanh, găng tay… của F0 đều có nguy cơ lây nhiễm. Người có ý thức thì bỏ riêng ra để nhân viên y tế thu gom, ngược lại có người lại vứt lẫn vào rác thải sinh hoạt. Tôi thu gom thì không biết và cũng không mặc đồ bảo hộ nên không khỏi nơm nớp lo lắng về nguy cơ lây nhiễm”.
Theo phương án của TP Đà Nẵng, rác thải của F0 điều trị tại nhà sẽ được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.
Công nhân vệ sinh môi trường nơm nớp lo sợ lây nhiễm COVID-19 từ rác thải F0 không được thu gom, xử lý riêng (Ảnh: Đ.Minh) |
Việc phân loại như vậy rất quan trọng bởi chất thải lây nhiễm thu gom phải được xử lý riêng so với các loại chất thải khác. Thông thường, rác thải của F0 sẽ được xử lý bằng phương pháp thiêu huỷ để xử lý triệt để chất thải lây nhiễm.
Sau khi thu gom, rác thải từ nhà F0 được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phối hợp với Tổ COVID-19 cộng đồng vận chuyển đến các điểm lưu giữ chất thải lây nhiễm tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc các Trạm Y tế lưu động hoặc các khu lưu giữ tạm thời do địa phương bố trí trên địa bàn.
Còn nhiều bất cập...
Dù đã có quy định chung nhưng công tác thực hiện ở mỗi địa phương lại không đồng đều, nơi thực hiện tốt, nơi lơ là. Thậm chí, có những trường hợp nhiễm bệnh không khai báo với cơ sở y tế khiến công tác quản lý cũng như xử lý rác thải từ F0 gặp nhiều khó khăn.
Chị V.T.L (ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), là F0 vừa hoàn thành thời gian điều trị tại nhà. Chị T.L cho biết không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào trong suốt thời gian qua.
“Dù đã báo tại y tế phường kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng mình không được hướng dẫn gì thêm về cách xử lý rác thải sinh hoạt. Do cách ly một mình nên bản thân phải tự tìm hiểu là chính, có một người bạn đã hướng dẫn mình phải buộc chặt, khử khuẩn các túi rác xong bỏ vào thùng rác thôi”, chị L nói thêm.
Nhiều F0 cách ly tại nhà dù đã báo với y tế địa phương nhưng không được hướng dẫn phân loại rác và không có ai đến thu gom nên đã bỏ chung với rác sinh hoạt (Ảnh: Đ.Minh) |
Rác thải từ các hộ gia đình có người cách ly (F0) cần đảm bảo được xử lý theo hướng dẫn của Bộ và Sở Y tế (Ảnh: Đ.Minh) |
Điều đáng lo ngại là rất nhiều gia đình có F0 điều trị tại nhà cũng không biết đến các quy định về xử lý rác thải. Cũng là F0 điều trị tại nhà, anh N.T.T (trú quận Hải Châu) cho hay: “Sau khi phát hiện dương tính với COVID-19 đã được Trạm Y tế thông báo tự cách ly ở nhà 10 ngày.
Ngoài ra, gia đình không được hướng dẫn về việc xử lý rác thải hằng ngày. Gia đình tôi không thể tiếp xúc với nhân viên thu gom rác nên không thể nhắc họ đâu là túi rác có rác thải y tế. Hy vọng nhân viên thu gom rác có thiết bị khử khuẩn hay đã được tập huấn về việc thu gom rác thải để tránh lây nhiễm”.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Nhựt, Phó Giám đốc Xí nghiệp môi trường Hải Châu, TP Đà Nẵng khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên kiến nghị ngành Y tế các địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân. Khi có ca F0, người dân phải báo cáo y tế và có sự phân loại rác thải phát sinh từ người mắc COVID-19 cẩn thận để công nhân vệ sinh môi trường hạn chế tiếp xúc với những chất thải nguy cơ lây nhiễm cao”.
Như vậy, cách ly và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà là giải pháp giúp giảm áp lực cho ngành Y tế và giúp người dân an tâm, thoải mái hơn trong quá trình phục hồi sức khỏe nhưng vẫn cần đảm bảo các yêu cầu phòng dịch. Việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của các F0 tự cách ly và điều trị tại nhà đúng cách cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này.
Được biết, Sở TN&MT Đà Nẵng cũng yêu cầu, trường hợp phát hiện có rác thải lây nhiễm lẫn trong rác thải thông thường trong quá trình thực hiện, Công ty Môi trường và Đô thị Đà Nẵng thông tin ngay đến UBND phường, xã và đến cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.