Đà Nẵng: Phiên tòa kỷ lục về số người tham gia bị hoãn do Công ty Bách Đạt An vắng mặt không lý do
Bài liên quan
Bài 26 - Quảng Nam: Sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, Công ty Bách Đạt An đã "được" xử phạt
Bài 24 - Quảng Nam: Không nhận được sổ đỏ, 1000 người dân kiến nghị chuyển qua hình sự
Bài 23 - Quảng Nam: Sau kết luận thanh tra, 1.000 người dân có nguy cơ phải tranh chấp tại tòa án
Bài 22 - Quảng Nam: Kết luận thanh tra có bỏ quên quyền lợi của 1000 người dân?
Phiên tòa có số lượng người liên quan đông nhất từ trước đến nay bị hoãn |
Nguyên đơn đi kiện nhưng "không thèm tới tòa"
Sáng ngày 15/11, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Kinh doanh thương mại theo thông báo thụ lý số 08/2019/TLST – KDTM ngày 23/7/2019, về tranh chấp Hợp đồng đặt cọc mua bán đất nền giữa nguyên đơn là Công ty CP Bách Đạt An và bị đơn là Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam.
Theo nội dung đơn khởi kiện của Công ty Bách Đạt An thì, công ty này yêu cầu Tòa án giải quyết các nội dung: Chấm dứt Hợp đồng số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN ngày 14/07/2017 và các phụ lục đính kèm với Công ty Hoàng Nhất Nam; Thu hồi lại toàn bộ các lô đất theo Hợp đồng số 14/2017/HĐĐC/BĐA-CN ngày 14/07/2017 các phụ lục đính kèm với Công ty Hoàng Nhất Nam.
Đồng thời, Công ty Bách Đạt An buộc Công ty Hoàng Nhất Nam bồi thường hợp đồng 10% giá trị hợp đồng do việc vi phạm dẫn đến bị chấm dứt hợp đồng tương đương. Số tiền yêu cầu bồi thường 10.669.430.000 đồng.
Những người tham gia phiên tòa sáng nay (15/11) |
296 người đã được tòa triệu tập tham dự với tư cách là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, sau khi làm thủ tục theo quy định, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thông báo hoãn phiên xét xử do nguyên đơn là Công ty CP Bách Đạt An vắng mặt không có lý do.
Hàng trăm người dân tham dự tại phiên tòa bức xúc cho rằng, lãnh đạo Công ty Bách Đạt An là nguyên đơn lại vắng mặt không có lý do, khiến phiên xét xử bị hoãn là thái độ coi thường pháp luật, coi thường khách hàng, nhằm trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, gây thiệt hại cho người dân. Hàng trăm người đã phải bỏ công việc, thời gian để tới dự phiên tòa này.
Theo đó, nhiều người dân bức xúc đã căng băng rôn tỏ thái độ quyết liệt phản đối thái độ, trách nhiệm của lãnh đạo Công ty Bách Đạt An ngay trước cổng trụ sở Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, khiến lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã phải tăng cường để bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.
Người dân bức xúc phản đối thái độ coi thường luật pháp của lãnh đạo Công ty Bách Đạt An ngay trước trụ sở Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng |
Trước đó, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có loạt bài viết về vụ việc hàng ngàn người dân với rất nhiều thành phần trong xã hội như: Bộ đội, người hưu trí, người già yếu …mòn mỏi đi đòi đất. Cũng vì việc này mà nhiều gia đình đã tan cửa nát nhà, đổ bệnh vì áp lực trả lãi vay ngân hàng từ việc mua đất tại 3 dự án: Sakura (7b mở rộng); Hera Complex Reverside, Eco Future Parka (KĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, Công ty Hoàng Nhất Nam là đơn vị phân phối.
Sự việc bắt đầu xảy ra vào thời điểm cuối năm 2018, người mua đất tại các dự án trên nhận được thông tin, Công ty CP Bách Đạt An đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc mua đất nền tại 3 dự án trên với Công ty Hoàng Nhất Nam, khiến hàng ngàn người dân mua đất tại 3 dự án thông qua đơn vị phân phối là Công ty Hoàng Nhất Nam có nguy cơ không thể lấy được đất. 1000 người dân đã nộp tiền cho doanh nghiệp lên tới trên 90% giá trị lô đất với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, hiện doanh nghiệp đang giữ trái pháp luật.
Trước đó, hàng trăm người dân tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam cầu cứu |
Mặc dù sự việc xảy ra đã gần một năm, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cũng đã có Kết luận thanh tra với hàng loạt sai phạm của Công ty Bách Đạt An, nhưng đến nay quyền lợi của khách hàng vẫn chưa được 2 công ty này giải quyết. Số tiền mà Công ty Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An đang giữ trái pháp luật của người dân trong một thời gian dài do vi phạm cam kết đã không được chính quyền kiến nghị xử lý, điều này mang lại nhiều rủi ro cho người dân, khiến sự việc bị đẩy lên ngày càng trở lên phức tạp.
Trước đó đã có rất nhiều lần làm việc giữ chính quyền tỉnh Quảng Nam và người dân |
Trước đó, hàng trăm người dân cũng đã tập trung kéo đến trụ sở của 2 công ty, nhà riêng của Tổng giám đốc Công ty bách Đạt An gây áp lực, yêu cầu lãnh đạo 2 công ty giải quyết. Đồng thời, hàng trăm người cũng đã kéo tới trụ sở của UBND tỉnh Quảng Nam căng bang rôn kêu cứu lãnh đạo địa phương quyết quyền lợi cho người dân, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự, cũng như uy tín của chính quyền và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc giữa 2 doanh nghiệp, người dân có sự chứng kiến của UBND tỉnh Quảng Nam, sự việc đến nay vẫn bế tắc chưa có biện pháp khả thi nào được đưa ra, khiến người dân vô cùng lo lắng bất an.
Tuyên hợp đồng vô hiệu chủ đầu tư sẽ hưởng lợi "kếch xù"
Quyền lợi của người dân đang phụ thuộc vào kết quả của vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua đất nền giữa 2 công ty. Sau khi có bản án của tòa mới biết quyền lợi của mình được giải quyết như thế nào. Nhưng nếu 2 công ty này cứ cố tình nhì nhằng kiện cáo nhau hết tòa này đến tòa khác mà không có kết quả, kéo dài thời gian thì không biết đến khi nào quyền lợi của người dân mới được giải quyết.
Những người dân có mặt sáng nay tại phiên tòa bị hoãn |
Ông Nguyễn Duy Trung (Điện Bàn – Quảng Nam) tham dự phiên tòa sáng nay bức xúc cho rằng: Nếu trường hợp tòa án tuyên yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty CP Bách Đạt An phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc mua đất nền với Công ty Hoàng Nhất Nam, thì khả năng lấy được đất của người dân vẫn còn.
Tuy nhiên, trường hợp ngược lại, nếu tòa tuyên Hợp đồng đặt cọc mua đất nền dự án vô hiệu, thì nguy cơ người dân không nhận được đất là hiện hữu. Vì lúc đó, Công ty Bách Đạt An sẽ phỉu bỏ trách nhiệm với những khách hàng của Hoàng Nhất Nam, do hợp đồng đặt cọc mua đất nền đã vô hiệu.
Một Luật sư tại Đà Nẵng nêu quan điểm: Nếu hợp đồng bị tòa án tuyên vô hiệu và khi bản án có hiệu lực, Công ty Hoàng Nhất Nam phải thỏa thuận để trả lại số tiền đã nhận từ khách hàng, hoặc hàng ngàn khách hàng tiếp tục khởi kiện Hoàng Nhất Nam ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình. Như vậy, việc người dân có thể nhận được tiền bồi thường vẫn còn rất nan giải. Và đương nhiên, thiệt hại nặng nề nhất thuộc về khách hàng sau hơn 2 năm “chôn tiền” mua đất dự án.
Dự án Sakurado Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại KĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) |
Một khách hàng khác cũng cho rằng: Nếu tòa tuyên hợp đồng giữa 2 công ty vô hiệu thì bên được hưởng lợi nhất chính là chủ đầu tư dự án (Công ty Bách Đạt An). Mặc dù việc thẩm định giá đất của UBND tỉnh Quảng Nam cao hơn thời điểm người dân mua cách đây 2 năm. Nhưng hiện tại, giá đất nền tại các 3 dự án này đã tăng lên hàng chục lần.
“Ngoài việc chủ đầu tư hưởng lợi từ giá đất tăng, thì chủ đầu tư thực chất không phải bỏ ra đồng vốn nào để thực hiện dự án, mà chỉ là “tay không bắt giặc”. Vì số tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của 3 dự án là từ nguồn tiền mua đất của người dân đóng cho đơn vị phân phối là Hoàng Nhất Nam đã hơn 2 năm nay, đơn vị phân phối cũng đã chuyển tiền cho chủ đầu tư để thực hiện dự án theo theo hợp đồng đã kí kết. Phải chăng, đây mới chính là mục đích của chủ đầu tư khi đơn phương chấp dứt hợp đồng với đơn vị phân phối”?. – Một khách hàng đặt câu hỏi.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.